Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cuộc họp không giúp giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Lý do là vì tất cả các bên liên quan chính không có mặt tại cuộc họp.
Cuộc họp ở Vancouver ấn định vào ngày 16.1 do Canada và Mỹ đồng chủ trì nhằm biểu dương tình đoàn kết quốc tế chống lại các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Các quốc gia trước đây từng gửi quân hoặc hỗ trợ quân sự cho nỗ lực được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm đẩy lùi các lực lượng Triều Tiên sau cuộc chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950 cũng sẽ gửi đại diện tham dự.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm ngày 10.1 với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Trump đã không che giấu ý định tổ chức đàm phán với Triều Tiên "vào thời điểm thích hợp, với các điều kiện đúng đắn". Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in đã thông báo cho người đồng cấp Mỹ về cuộc đàm phán cấp cao liên Triều ngày 9.1, theo đó, Bình Nhưỡng đã nhất trí cử đoàn tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018.
Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán cấp cao này không chỉ dẫn đến thành công cho Hàn Quốc mà còn dẫn đến "thành công cho thế giới", đồng thời cho biết sẽ cử Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Ngoài việc tham dự lễ khai mạc vào ngày 9.2 tới, Phó Tổng thống Pence cũng sẽ thăm Seoul và Tokyo, thảo luận với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết Tổng thống Mỹ Trump cam kết Washington sẽ không tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào đối với Triều Tiên chừng nào đối thoại liên Triều còn tiếp tục. Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đánh giá cao "sự ủng hộ và nguyên tắc mạnh mẽ" của người đồng cấp Mỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.