Mỹ chuyển bí mật quân sự liên quan F-22 cho Nhật

Thứ bảy, ngày 05/05/2018 09:49 AM (GMT+7)
Tập đoàn Mỹ cung cấp dữ liệu về mẫu tiêm kích tàng hình được giữ bí mật nghiêm ngặt nhằm giúp Nhật phát triển chiến đấu cơ nội địa.
Bình luận 0

img

Tiêm kích F-22 trong biên chế không quân Mỹ. Ảnh: USAF.

Tờ Nikkei của Nhật Bản hôm 3.5 cho biết tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã bắt đầu chuyển giao nhiều dữ liệu về thiết kế máy bay tàng hình F-22 cho Tokyo, nhằm giúp nước này hoàn thành mục tiêu phát triển và biên chế tiêm kích lai giữa F-22 và F-35 trong thập niên 2030.

Quyết định này dường như để giúp Nhật Bản sở hữu một loại tiêm kích hiện đại đối phó với Trung Quốc, cũng là phép thử với cam kết cải cách chính sách xuất khẩu vũ khí của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hồi tháng 4, Lockheed Martin từng đề xuất chào bán cho Nhật mẫu chiến đấu cơ tàng hình riêng biệt, sử dụng thiết kế F-35 và ứng dụng nhiều công nghệ từ dự án F-22. "Tokyo đang đối mặt với quyết định khó khăn. Dù Nhật muốn tự phát triển một mẫu tiêm kích thế hệ mới, rất khó để từ chối đề xuất bán vũ khí từ đồng minh Mỹ", Nikkei cho biết.

Nhằm đối phó với việc quốc gia láng giềng Trung Quốc đầu tư ngày càng mạnh cho quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân, Nhật đã đặt mua của Mỹ 42 tiêm kích tàng hình F-35A, hầu hết được lắp ráp tại nhà máy trong nước. Nước này dự kiến ra mắt tiêm kích chiếm ưu thế trên không tự phát triển vào năm 2030, nhằm ngăn chặn chiến đấu cơ Trung Quốc và Nga xâm nhập không phận.

Tham vọng chế tạo tiêm kích tàng hình nội địa của Nhật bắt đầu một phần từ việc Mỹ từ chối bán mẫu F-22 cho nước này cách đây 10 năm. Tokyo đã đầu tư khoảng 40 tỷ USD để tự phát triển máy bay tàng hình, đồng thời tìm kiếm các giải pháp hợp tác quốc tế để giảm chi phí và tiếp thu công nghệ nước ngoài.

F-22 là mẫu máy bay tàng hình thế hệ 5 tối tân của Mỹ. Washington không xuất khẩu tiêm kích này cho bất cứ nước nào, kể cả đồng minh, để giữ ưu thế cũng như bí mật tuyệt đối về công nghệ.

Mỹ đang có kế hoạch tái khởi động dây chuyền sản xuất tiêm kích F-22, dự kiến tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD để sản xuất ra 100 máy bay mới. Việc chuyển giao công nghệ cho đối tác nước ngoài có thể là một biện pháp giúp Washington chia sẻ gánh nặng chi phí này.

Tử Quỳnh (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem