Nếu Triều Tiên liều lĩnh bắn hạ máy bay quân sự Mỹ, hậu quả sẽ cực kỳ khó lường.
Cho rằng Washington "tuyên chiến trước", Bình Nhưỡng có thể liều lĩnh trả đũa bằng cách bắn hạ oanh tạc cơ chiến lược Mỹ ngay cả khi chúng không hoạt động trong không phận Triều Tiên như họ đã đe dọa. Giới phân tích cho biết, về kỹ thuật, Triều Tiên có vũ khí để bắn hạ máy bay Mỹ hoạt động gần không phận nước này.
Tuần trước, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đã tuyên bố với các phóng viên ở New York rằng: "Cả thế giới nên nhớ rõ rằng, Mỹ là nước tuyên chiến trước với chúng tôi. Kẻ từ thời điểm Mỹ tuyên chiến trước với đất nước chúng tôi, chúng tôi có quyền đưa ra các biện pháp đối phó, bao gồm bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược Mỹ ngay cả khi chúng không bay trên không phân của nước chúng tôi".
Tuyên bố của Ngoại trưởng Ri bắt nguồn từ lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, Triều Tiên sẽ không còn tồn tại được lâu nữa. Dường như những lời đe dọa của ông chủ Nhà Trắng đang được Bình Nhưỡng xem xét nghiêm túc và mục tiêu mà Triều Tiên nhắm đến trong tuyên bố cứng rắn trên là các oanh tạc cơ B-1B Lancer Mỹ thường xuyên tuần tra gần không phận nước này.
Một oanh tạc cơ B-1B hôm 23.9 đã bay trên không phận quốc tế dọc bờ biển Triều Tiên, thực hiện chuyến bay xa nhất về phía bắc khu vực phi quân sự (DMZ) trong thế kỷ 21.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ được điều đến áp sát vùng biển quốc tế ở phía đông Triều Tiên. Ảnh: US Airforce.
Chuyên gia Dave Majumdar viết trên tạp chí National Interest rằng, có thể Triều Tiên nhận thấy rằng, những oanh tạc cơ Mỹ bay gần bán đảo Triều Tiên là "khúc dạo đầu" cho một cuộc tấn công hủy diệt tiềm năng. Để đáp trả, Triều Tiên có thể bắn hạ máy bay ném bom hoặc thậm chí, một máy bay do thám Mỹ.
Theo ông Dave Majumdar, về mặt kỹ thuật, Triều Tiên đang sở hữu những vũ khí đủ sức bắn hạ oanh tạc cơ Mỹ, chẳng hạn sử dụng các hệ thống phòng không hoặc điều tiêm kích để đánh chặn. Không quân Triều Tiên sở hữu chỉ một số ít máy bay chiến đấu tương đối hiện đại, trong đó có những phiên bản đời đầu của Mikoyan MiG-29 Fulcrum và MiG-23 Glogger của Liên Xô có thể đe dọa máy bay chiến đấu của Mỹ.
Cả hai loại máy bay này đều không có khả năng tiếp cận đủ gần các loại máy bay B-1B, B-52 hay máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ trước khi bị các máy bay chiến đấu hộ tống tấn công.
Theo đó, cơ hội duy nhất để Không quân Triều Tiên có thể "hạ gục" thành công các máy bay ném bom Mỹ là khi chúng không có máy bay tiêm kích của Mỹ hoặc đồng minh hộ tống.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng có cơ hội bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ bằng hệ thống tên lửa đất đối không nếu máy bay Mỹ bay đủ gần.
“Họ có các tên lửa đất đối không thời Liên Xô, trong đó có S-75, S-125, S-200 và Kvadrat, có thể vẫn hoạt động tốt”, ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và quốc tế ở Moscow bình luận.
“Họ đã tự sản xuất S-75 và loại tên lửa này có thể đã được nâng cấp đáng kể. Ngoài ra, vào đầu năm 2010, họ sản xuất được hệ thống tên lửa đất đối không nội địa hiện đại mà Mỹ và Hàn Quốc gọi là KN-06”, ông Kashin chuyên gia về các vấn đề châu Á cho biết thêm.
KN-06 là hệ thống phòng không tầm xa do Triều Tiên chế tạo, được công khai lần đầu vào năm 2010.
Theo ông Kashin, các nguồn tin từ Hàn Quốc cho rằng, KN-06 đã được thử nghiệm thành công. Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng đã sản xuất được bao nhiêu hệ thống KN-06, nhưng loại vũ khí của Triều Tiên được đánh giá là giống đời đầu của hệ thống phòng không S-300 của Nga.
Vũ khí này được cho là có tầm xa lên đến 150km. Một trong những lý do KN-06 bị phớt lờ là vì các nhà phân tích phương Tây thường đánh giá thấp năng lực công nghiệp của Bình Nhưỡng.
Trong quá khứ, Triều Tiên từng bắn hạ máy bay quân sự Mỹ. Ngày 15.4.1969 (dưới thời chính quyền Nixon), máy bay do thám EC-121 Warning Star của Hải quân Mỹ bị bắn hạ, khiến 31 thành viên trên máy bay thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Richard Nixon hồi đó không trả đũa nhưng từng cân nhắc biện pháp tấn công Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân. Tiếp đó, ngày 18.12.1994, Triều Tiên bắn hạ một trực thăng do thám OH-58 Kiowa của Mỹ ở khu vực phi quân sự, khiến một phi công thiệt mạng, một người khác bị bắt. Chính quyền Clinton thời điểm đó cũng lựa chọn biện pháp kiềm chế, không trả đũa.
Ngoài ra, Triều Tiên không chỉ tấn công máy bay mà cả tàu của Mỹ. Ngày 23.1.1968, Triều Tiên tịch thu tàu giám sát USS Pueblo của Mỹ, một thủy thủ thiệt mạng và 83 người khác bị bắt. Con tàu này đến nay vẫn trong tay Triều Tiên nhưng thủy thủ đoàn đã được thả vào cuối năm đó. Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson hồi đó cũng cân nhắc nhiều biện pháp đáp trả, bao gồm khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân, nhưng cuối cùng cũng “xuống nước”.
Theo chuyên gia Kyle Mizokami, mặc dù Triều Tiên có đủ sức bắn hạ chiến đấu cơ Mỹ, tuy nhiên, hành động này sẽ dẫn tới leo thang quân sự nguy hiểm giữa hai nước. Khi đó, Washington và Bình Nhưỡng sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ, đặc biệt nếu vũ khí hạt nhân được cả 2 bên sử dụng thì cuộc chiến sẽ trở thành thảm họa đối với cả thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.