Stan Lee: Ông vua truyện tranh, cha đẻ Marvel qua đời ở tuổi 95

Tiểu Đào (Theo CNN) Thứ ba, ngày 13/11/2018 10:38 AM (GMT+7)
Stan Lee – người sáng tạo nên hàng trăm siêu anh hùng vốn được dựng lại thành một vũ trụ điện ảnh riêng mang tên Marvel – đã qua đời ở tuổi 95.
Bình luận 0

img

Huyền thoại Marvel Stan Lee cùng nhân vật siêu anh hùng "Người Nhện". Ảnh: Getty.

Theo CNN dẫn lời luật sư Kirk Schneck – người đại diện cho con gái của Stan Lee, “ông vua truyện tranh” đã được gia đình gọi xe cứu thương đưa tới Trung tâm Y tế Sinai ở thành phố Cedar (bang Utah, Mỹ) vào hôm qua (13.11). Sau đó, ông Lee đã qua đời tại Trung tâm Sinai. Luật sư Schneck cho biết nguyên nhân khiến Stan Lee tử vong vẫn chưa được xác định.

Vào năm 1939, Stan Lee bắt đầu sự nghiệp của mình tại Timely Comics (sau này là Marvel). Trong nhiều năm, ông đảm nhiệm các vai trò như nhà viết kịch bản, biên tập viên và đôi khi là họa sĩ minh họa. Thế nhưng, khi chuẩn bị rời công ty do cảm thấy buồn chán với công việc, định mệnh vĩ đại đã tới với ông.

Khi ấy, ngành xuất bản truyện tranh được thống trị bởi National Comics (sau này là DC Comics) – công ty tạo ra các nhân vật như “Siêu Nhân” (Superman), “Người Dơi” (Batman), “Nữ thần Chiến binh” (Wonder Woman) và “Chiến binh Xanh” (Green Lantern).

img

Vào năm 1941, Stan Lee trở thành biên tập viên tại Timely Comics (sau này là Marvel). Ảnh: Getty.

Vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, DC bắt đầu “tái tạo lại” các nhân vật siêu anh hùng của mình. Giai đoạn này được các nhà nghiên cứu gọi là “Kỷ nguyên Bạc” của ngành xuất bản truyện tranh. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật của DC vẫn ở các “vũ trụ” 2 chiều khác nhau, sống và hoạt động tại các địa điểm giả tưởng như Metropolis, Thành phố Gotham.

Vào đầu những năm 60, Lee đã đề xuất với Marvel tạo dựng một nhóm các siêu anh hùng để làm đối trọng với “Liên minh Công lý” của DC. Với sự giúp đỡ đáng kể từ các nghệ sĩ khác như Jack Kirby và Steve Ditko, Stan Lee đã tạo nên một cuộc cách mạng mà chính ông cũng không ngờ được quy mô phát triển của nó sau này.

“Nếu nhà xuất bản không nói với tôi ‘hãy làm truyện về siêu anh hùng’, chắc lúc ấy tôi sẽ vẫn tiếp tục làm ‘Thằng nhóc Outlaw’ (A Kid Called Outlaw), ‘Thằng nhóc Hai tay Hai súng’ (The Two-Gun Kid), ‘Millie the Model’ hay các dự án đang dang dở thời điểm đó”, Stan Lee trả lời phỏng vấn với CNN vào hồi năm 2013.

img

"Bộ tứ Siêu đẳng" - nhóm siêu anh hùng đầu tiên được Marvel giới thiệu với công chúng. Ảnh: Getty.

Chính Marvel đã tái sinh ngành xuất bản truyện tranh với hàng loạt các nhân vật “người” hơn rất nhiều: các siêu anh hùng Marvel sống tại các địa điểm có thật, cũng phải vật lộn, đối mặt hàng ngày với các thử thách giống như những người khác.

Có khởi đầu thuận lợi với “Bộ tứ Siêu đẳng” (Fanstastic Four), Stan Lee và Marvel tiến xa thêm khi giới thiệu với công chúng các nhân vật khác như “Người Nhện” (Spider Man), “Người Khổng lồ Xanh” (The Hulk), “Người Sắt” (Iron Man), “Thần sấm” (Thor), “Dị Nhân” (X-Men) và “Hiệp sĩ Mù” (Daredevil).

Các nhân vật mới, vốn được tạo ra liên tiếp trong giai đoạn 1961-1964, trở nên cực kỳ nổi tiếng, giúp cho Marvel vượt mặt DC cả về doanh số lẫn tính thời trang.

img

Nhân vật "Người Nhện" do Stan Lee và Marvel sáng tạo. Ảnh: Getty.

Theo CNN, nhân vật “Người Nhện” chính là một hình tượng điển hình, mang dấu ấn riêng của Marvel: một nhiếp ảnh gia có tên Peter Parker đã có được sức mạnh siêu việt sau khi bị một con nhện nhiễm phóng xạ cắn. Tuy nhiên, khác với các anh hùng DC, bên cạnh việc đấu tranh chống cái ác, Peter Parker vẫn có những vấn đề đời thường rất “người” như luôn bị tổng biên tập tờ báo giục nộp bài ảnh, phải lo lắng về mối quan hệ với người bạn gái Mary Jane Watson cũng như về Dì May của mình.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ Người Nhẹn có thể trở thành một biểu tượng toàn cầu như bây giờ. Tôi lúc ấy chỉ mong rằng truyện bán được và tôi có thể giữ được việc”, Stan Lee kể lại vào hồi 2006.

img

Các bộ phim điện ảnh thuộc vũ trụ Marvel luôn làm mưa làm gió trên màn ảnh khắp thế giới. Ảnh: Getty.

Về sau này, nhiều nhân vật Marvel đã được đưa lên màn ảnh với các mức độ thành công khác nhau. Tuy nhiên, chỉ khi khái niệm “Vũ trụ Marvel” được hiện thực hóa trên phim, đặc biệt là với các series “Dị Nhân” hay phim “Người Nhện” được đạo diễn Sam Raimi làm vào hồi 2002, cái tên Marvel mới trở nên phổ biến toàn cầu. Vào năm 2009, người khổng lồ Walt Disney đã quyết định mua tại Marvel Entertaintment với giá 4 tỷ USD để có quyền sở hữu với tất cả các nhân vật siêu anh hùng đã được Stan Lee và Marvel sáng tạo.

Nhờ sự đầu tư của Disney, hàng loạt bộ phim siêu anh hùng Marvel đã được làm và công chiếu, mang đến không chỉ lợi nhuận khổng lồ mà còn cả danh tiếng vang dội trên toàn cầu.

“Tôi từng xấu hổ vì trong lúc những người khác xây dựng đường cầu hay theo đuổi nghiệp bác sĩ, tôi chỉ là một nhà viết truyện tranh”, Stan Lee nói với tờ Washington Post.

“Sau đó, tôi bắt đầu nhận ra rằng: giải trí là lĩnh vực quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi người. Nếu không có giải trí, cuộc sống sẽ chỉ là một vòng luẩn quẩn vô nghĩa. Tôi cảm thấy rằng nếu bản thân giúp người khác giải trí được thì đó cũng là một việc tốt”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem