Tin thế giới: Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ cảnh báo ớn lạnh đến Mỹ

Duy Anh Chủ nhật, ngày 06/05/2018 19:30 PM (GMT+7)
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 6.5 tuyên bố Ankara sẽ đáp trả nếu Mỹ ngừng các thương vụ bán vũ khí cho nước này.
Bình luận 0

img

Mỹ có nguy cơ huỷ bỏ thương vụ bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo CNN, Ngoại trưởng Cavusoglu nói rằng đề xuất do các Hạ nghị sĩ Mỹ đưa ra, theo đó tạm ngừng các thương vụ bán vũ khí bao gồm các máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ là sai lầm, không hợp lý và không phù hợp với mối quan hệ giữa các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các nghị sĩ Hạ viện Mỹ ngày 4.5 đã công bố nội dung chi tiết của một dự luật chính sách quốc phòng thường niên trị giá 717 tỷ USD, trong đó có những nỗ lực nhằm cạnh tranh với Nga và Trung Quốc cũng như biện pháp nêu trên đối với những thương vụ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong khi đó, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu Wess Mitchell đã cảnh báo rằng thương vụ Ankara mua S-400 của Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quyết định Mỹ bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Tuần tới, tôi sẽ tới thăm Mỹ. Việc hủy bỏ thương vụ bán F-35 là không thể chấp nhận được, và nếu nó (việc hủy bỏ) xảy ra, Mỹ sẽ đón nhận sự đáp trả thích đáng từ Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trước đó, Ankara đã cam kết sẽ mua 116 máy bay chiến đấu F-35A trong khuôn khổ dự án máy bay tấn công phối hợp (Joint Strike Fighter-JSK) do Mỹ dẫn đầu.

img

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Lankford cho rằng các quyết định mang tính chiến lược mà Ankara đưa ra ngày càng không phù hợp và thậm chí còn chống lại lợi ích của Mỹ. Vì vậy, việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm và tiên tiến của F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là nước cờ nguy hiểm.

Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận mua 4 hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Nga, trị giá 2,5 tỷ USD, hồi cuối năm 2017. Moscow dự kiến bàn giao tổ hợp đầu tiên cho Ankara vào năm 2019. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng nước này cần sở hữu các hệ thống tên lửa hiện đại, do mạng lưới phòng không đã lạc hậu và có nhiều lỗ hổng.

Giới phân tích cho rằng Ankara quyết tâm theo đuổi hợp đồng mua S-400 bởi không quân nước này đã suy yếu nghiêm trọng sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2016. Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thực hiện hợp đồng bất chấp lời đe dọa từ Mỹ và những rạn nứt nghiêm trọng trong khối NATO mà nó gây ra.

Mỹ đã nhiều lần ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 từ Nga. Washington cho rằng tên lửa S-400 sẽ gây ra mối đe dọa lớn về an ninh đối với NATO nếu nó được tích hợp vào lưới phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối.

Mặc dù giới quan sát loại trừ khả năng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu trực tiếp về mặt quân sự, song họ lo ngại sẽ "khó tránh được những sự cố va chạm". Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ dừng lại như vậy. Nước Nga lại trở thành "đối tác chiến lược" đối với Thổ Nhĩ Kỳ Tại Washington, chưa bao giờ lo ngại "để mất Thổ Nhĩ Kỳ" lại lớn như hiện nay. Tuy nhiên, tờ Le Monde từng dẫn lời một chuyên gia cho rằng Ankara "không xích lại gần phương Tây hay phương Đông, mà đang lao vào thế bị cô lập". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem