Tin thế giới: Trung Quốc có kịch bản riêng dành cho Triều Tiên

Duy Anh (Tổng hợp) Thứ bảy, ngày 10/03/2018 19:30 PM (GMT+7)
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể ngăn Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân toàn diện. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không tiến hành bước đi đó, cho dù điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể tấn công Triều Tiên. 
Bình luận 0

img

Trung Quốc hoan nghênh thoả thuận triển vọng về cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.

Giáo sư Robert Ross nghiên cứu khoa học chính trị của trường Cao đẳng Boston, Mỹ cho biết nguồn cung dầu của Trung Quốc là nguồn hỗ trợ chính cho chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Nếu thiếu nguồn hỗ trợ này, chính quyền Triều Tiên sẽ đối mặt với những thách thức không thể lường nổi.

Do đó, Trung Quốc lựa chọn việc cung cấp nguồn tài nguyên mà Bình Nhưỡng rất cần và có khả năng sẽ tiếp tục làm vậy.

Tin thế giới của hãng tin Korea Times dẫn lời chuyên gia Ross cho biết: “Trung Quốc phản đối vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh lại có những ưu tiên cấp thiết hơn, bao gồm việc ngăn chính quyền Triều Tiên sụp đổ và mất quyền kiểm soát đối với vũ khí hạt nhân. Những mục tiêu này quan trọng hơn việc ép buộc phải đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa ngay lập tức. Do đó, Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt quá đà có thể đẩy chính quyền Triều Tiên tới sụp đổ”.

Giáo sư Ross nhấn mạnh Hàn Quốc cũng đồng quan điểm với Trung Quốc, với việc nước này phản đối các lệnh trừng phạt quá mức của Mỹ, vốn có khả năng gây bất ổn chính quyền và mất kiểm soát đối với vũ khí hạt nhân, đẩy tình hình tới một cuộc chiến tranh. 

Trong khi đó, ông Leon Sigal, Giám đốc Dự án An ninh Hợp tác Đông Bắc Á tại New York, Mỹ, cho rằng Trung Quốc không nhận thấy vũ khí của Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp như Mỹ và Nhật Bản đang lo ngại.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng gây sức ép để Trung Quốc cứng rắn hơn với các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Trong diễn biến mới nhất, Nhà Trắng ngày 10.3 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành điện đàm ngày 9.3, trong đó "hai nhà lãnh đạo hoan nghênh triển vọng về cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên", đồng thời "cam kết duy trì sức ép và các lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên có những bước đi cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược". 

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un song chưa công bố thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp. Trong khi đó, Đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo cuộc gặp sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Nếu được tiến hành, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã hoan nghênh các tín hiệu tích cực này. 

Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, không ai có thể chắc chắn được rằng Triều Tiên sẽ không đổi ý về cuộc gặp lịch sử này. Chỉ một ngày sau khi có thông tin hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên sẽ gặp nhau, truyền thông Triều Tiên tiếp tục chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ.Trong bài bình luận trên nhật báo Rodong Sinmun của Triều Tiên khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ không đầu hàng trước "sức mạnh quân sự, các biện pháp trừng phạt hay cấm vận".

Bài báo cũng chỉ trích những biện pháp trừng phạt mới nhất cũng như cô lập thứ hai của Mỹ, khẳng định những biện pháp này vi phạm luật pháp quốc tế và xâm hại chủ quyền của Triều Tiên. Tác giả cũng cho rằng những biện pháp này là "rất nguy hiểm" và "có thể gây chiến tranh". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem