Càng đe dọa, khiêu khích, Tổng thống Mỹ Donald Trump càng khiến Bình Nhưỡng có cớ để thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Cuộc chiến tranh ngôn từ dữ dội giữa Washington và Bình Nhưỡng những ngày qua đang làm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nguy hiểm, tưởng chừng như chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Kết luận của bản báo cáo mới của tình báo Mỹ về việc Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa đạn đạo đã khiến ông chủ Nhà Trắng phẫn nộ tăng gấp đôi cam kết chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên. Hôm 10.8, ông cảnh báo sẽ khiến Bình Nhưỡng chìm trong "biển lửa và sự cuồng nộ mà thế giới chưa từng thấy". Trump cũng chỉ trích những người tiền nhiệm của mình vì không dám tấn công phủ đầu Triều Tiên, chọc giận Bình Nhưỡng.
Đáp lại, Bình Nhưỡng mạnh mẽ đe dọa tấn công tên lửa vào lãnh thổ Guam của Mỹ. Trước đó, Triều Tiên mạnh mẽ cảnh báo rằng, Mỹ sẽ phải đối mặt với "ngày tận thế" nếu nước này tiếp tục là "kẻ khiêu khích".
Theo các chuyên gia quân sự, những tuyên bố khiêu khích rất nguy hiểm vì tình hình Triều Tiên rất căng thẳng, chỉ một tính toán sai lầm cũng có khả năng dẫn đến sự bùng nổ của chiến tranh.
Chuyên gia Triều Tiên James Person, giám đốc của Trung tâm Chính sách công và Lịch sử Triều Tiên thuộc Quỹ Motor Hyundai (Hàn Quốc) nhấn mạnh rằng: "Đối với người Triều Tiên, chương trình hạt nhân họ phát triển từ những năm 1960 xuất phát từ một lý do phòng thủ chính đáng. Trong tâm trí của người Triều Tiên, chương trình được thiết kế để bảo đảm an ninh của họ và để chắc chắn họ không bị tấn công", ông Person nói.
Do đó, theo Person, việc chính quyền Trump không chịu trấn an Bình Nhưỡng rằng Washington không muốn thay đổi chế độ Kim Jong-un hoặc phát động một cuộc tấn công phủ đầu đã trao cho Triều Tiên nhiều lý do hơn bao giờ hết để không ngừng thúc đẩy chương trình hạt nhân của họ.
Bruce Blair, cựu quan chức phụ trách phóng tên lửa Mỹ, hiện là giáo sư nghiên cứu tại Đại học Princeton cũng cảnh báo, ông Mỹ "đang làm gia tăng rủi ro xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân".
"Trump hết lần này đến lần khác cho thấy ông không phải người khéo léo trong ngoại giao", ông Blair nhấn mạnh.
Tương tự, Mark Lussky, luật sư về hưu, từng làm việc cho đơn vị tên lửa chiến đấu Mỹ từ năm 1972 - 1976 cho rằng, Trump "phát ngôn bốc đồng và hành động cũng bốc đồng.
"Tôi chẳng hiểu Tổng thống Trump có biết kiềm chế hay không. Ông ấy không hề biết thoái lui", Lussky chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Reid Pauly, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại MIT và nghiên cứu tiến sĩ về sự phổ biến hạt nhân, chiến lược hạt nhân và lý thuyết răn đe tại ĐH Harvard, hiện nay, sức mạnh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đối với Triều Tiên không có gì phải nghi ngờ. Những gì Bình Nhưỡng nghi ngờ là cam kết không can thiệp vào Triều Tiên của Mỹ và các đồng mình của nước này. Cho tới khi Bình Nhưỡng cảm thấy được đảm bảo vệ mặt an ninh, chế độ Kim Jong-un sẽ tự ngừng chương trình hạt nhân của họ.
"Bình Nhưỡng biết rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng có nghĩa là tự sát. Bình Nhưỡng sẽ không tự sát. Chúng ta cần phải giảm tông giọng và nhận ra rằng đây là cách để ngăn chặn (chiến tranh). Theo đó, Triều Tiên sẽ không tấn công Hàn Quốc như họ đã làm hơn 60 năm qua. Cần nhớ rằng, mục tiêu chính của Bình Nhưỡng là ngăn Mỹ thay đổi chế độ", ông Terence Roehrig, giáo sư về an ninh quốc gia ở Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.