Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc tập trận ở vùng núi giáp biên giới Ấn Độ.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), hình ảnh chiến đấu cơ Trung Quốc trong cuộc tập trận ở vùng núi phía tây nam, cho thấy không quân nước này đã giải quyết xong trục trặc khi máy bay hoạt động ở tầm cao.
Đây được coi là lời cảnh báo sắc lạnh đến quốc gia láng giềng Ấn Độ, bởi vùng biên giới phía tây Trung Quốc là điểm nóng tranh chấp với Ấn Độ.
Trong video, chiến đấu cơ Chengdu J-10 và Shenyang J-11 bay qua khu vực núi tuyết. Video được đăng tải trên trang web chính thức của quân đội Trung Quốc hồi đầu tuần này.
Đây là các chiến đấu cơ thế hệ 3 đa năng mới nhất của Trung Quốc, sử dụng động cơ AL-31F của Nga.
Chiến đấu cơ J-11 trang bị động cơ mới nâng cao năng lực tác chiến ở vùng núi phía tây nam.
Các nhà quan sát quân sự nói, loại máy bay này thường gặp trục trặc khi bay ở độ cao đáng kể trong địa hình vùng núi, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc.
Hồi tháng 9.2015, một chiếc J-10 ở Quân khu Thẩm Dương rơi trong chuyến tuần tra ban đêm, khi máy bay đạt độ cao 3.350 mét. Phi công nhảy dù an toàn, kênh truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin.
Đoạn video cũng có hình ảnh máy bay vận tải Shaanxi Y-9 cất và hạ cánh tại các sân bay ở vùng núi. Chiếc Y-9 có thể chở theo 106 hành khách hoặc 132 binh sĩ tại bất cứ thời điểm nào.
Tiêm kích bom Xian JH-7 cũng cất cánh từ khu vực núi tuyết, nằm trong đội hình chiến đấu của không quân Trung Quốc ở khu vực giáp biên giới Ấn Độ, trải dài từ Tây Tạng đến Tân Cương.
Máy bay vận tải Y-9 đủ sức cất và hạ cánh tại các sân bay ở vùng đồi núi.
Giới quan sát quân sự nhận định, các máy bay này hoạt động khá ổn định, cho thấy không quân Trung Quốc đã giải quyết xong vấn đề với động cơ ở tầm cao, giúp nâng cao năng lực phòng vệ trước Ấn Độ.
“Đoạn video cho thấy các chiến đấu cơ Trung Quốc đã được cải tiến động cơ. Đồng thời, Trung Quốc cũng hé lộ phi đội chiến đấu cơ bảo vệ biên giới phía tây”, chuyên gia quân sự Song Zhongping nói.
Nhà phân tích Leung Kwok-leung thì cho rằng, bước đột phá này giúp tăng cường năng lực phòng không của Trung Quốc trước Ấn Độ.
“Một khi vấn đề động cơ được giải quyết, các máy bay Trung Quốc có thể dễ dàng cất và hạ cánh tại khu vực tầm cao, khiến không quân Ấn Độ gặp không ít khó khăn”.
Thông tin này xuất hiện chỉ chưa đầy một năm sau vụ tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Doklam ở dãy Himalaya.
Thế giới liên tục chú ý tới những thành quả phát triển vũ khí quân sự của Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.