Vì sao dơi nhiễm nhiều virus nguy hiểm như Corona nhưng không bị bệnh?

Minh Nhật Thứ hai, ngày 03/02/2020 13:30 PM (GMT+7)
Dơi được cho là "ổ chứa tự nhiên" của rất nhiều loại virus gây bệnh nguy hiểm bao gồm virus Ebola hay virus Corona chủng mới gây viêm phổi cấp đã khiến hơn 300 người chết và hơn 17.000 người mắc bệnh chỉ tính riêng ở Trung Quốc.
Bình luận 0

img

Tiến sĩ Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance, người đã làm việc ở Trung Quốc trong 15 năm, nghiên cứu các bệnh truyền từ động vật sang người cho biết, có bằng chứng khá chắc chắn rằng dơi là "ổ chứa tự nhiên", nguồn lây truyền virus Corona chủng mới (nCoV) gây bệnh viêm phổi cấp ở người.

"Đó có lẽ sẽ là loài dơi móng ngựa Trung Quốc", ông Peter nói, đề cập đến một loài dơi phổ biến nặng tới 28g.

Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) và bệnh hội chứng hô hấp ở Trung Đông cũng là do dơi  mang coronavirus gây ra. Một con dơi có thể bị nhiễm nhiều loại virus nguy hiểm khác nhau mà không bị bệnh.

Chúng cũng là ổ chứa tự nhiên của virus Marburg, virus Nipah và Hendra, gây bệnh cho người và từng bùng lên thành dịch ở Châu Phi, Malaysia, Bangladesh và Úc.

Chúng còn được cho là ổ chứa tự nhiên của virus Ebola. Dơi cũng mang virus dại, nhưng trong trường hợp đó, nó sẽ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Khả năng chịu đựng virus của dơi được biết đến là vượt trội hơn so với các động vật có vú khác. Và đây là một trong nhiều phẩm chất đặc biệt của chúng.

Tuy nhiên, khả năng cùng tồn tại với các loại virus gây bệnh có thể lây sang các loài động vật khác, đặc biệt là con người của dơi có thể gây ra hậu quả tàn khốc khi chúng ta ăn chúng, buôn bán chúng hoặc tới lãnh thổ của chúng.

Tìm hiểu làm thế nào dơi có thể mang và tồn tại cùng với rất nhiều loại virus nguy hiểm là một câu hỏi thú vị đối với giới khoa học, và nghiên cứu mới cho thấy câu trả lời có thể do sự thích nghi tiến hóa của loài dơi giúp hệ thống miễn dịch của chúng được tăng cường đáng kể.

Theo đó, hoạt động bay của dơi đòi hỏi nguồn năng lượng lớn đến mức các tế bào trong cơ thể bị phá vỡ và giải phóng các đoạn DNA. Các đoạn DNA này sau đó trôi nổi đến những "vùng cấm" trong cơ thể dơi.

Động vật có vú, bao gồm cả dơi, có cách để xác định và phản ứng với các đoạn DNA như vậy, cơ chế này tương tự như khi phát hiện sự xâm lấn của một loại virus/ vi khuẩn gây bệnh.

Nhưng ở loài dơi, các nhà khoa học nhận thấy, sự tiến hóa đã làm suy yếu cơ chế chống lại virus/vi khuẩn thường gây ra tình trạng viêm cho cơ thể vật chủ.

Dơi đã mất một số gen liên quan đến cơ chế này vì tình trạng viêm có thể gây hại rất lớn cho cơ thể. Theo đó, dơi có cơ chế phản ứng yếu trước sự xâm nhập của virus/vi khuẩn nhưng nó không mất đi.

Theo các nhà nghiên cứu, phản ứng yếu này có thể cho phép dơi duy trì "trạng thái cân bằng" tức phản ứng hiệu quả "nhưng không" phản ứng quá mức "chống lại virus".

Chắc chắn các loài gặm nhấm, linh trưởng và chim cũng mang mầm bệnh và có thể lây sang người nhưng dơi thì phổ biến hơn vì số lượng dơi rất lớn, ở đâu cũng có.

Dơi chiếm một phần tư các loài động vật có vú và sống được ở mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực, gần với con người và các trang trại. Bay khỏe giúp dơi có phạm vi hoạt động rộng, càng dễ phát tán virus và phân của chúng có thể truyền bệnh.

Người dân ở nhiều nơi trên thế giới ăn dơi, xem dơi là món ăn bổ dưỡng, đặc sản và bán chúng tự do ở các chợ động vật sống. Đây chính là nguồn gốc gây dịch SARS và có thể là ổ dịch Coronavirus mới nhất bùng lên ở Vũ Hán tháng 12 năm ngoái.

Đặc biệt, dơi không chỉ sống sót với virus mà chúng còn là ổ chứa virus. Dơi là loài sống lâu dài kể trong số các động vật có vú nhỏ. Dơi nâu lớn, một loài phổ biến ở Mỹ có thể sống gần 20 năm trong tự nhiên.

Một số loài dơi khác có thể sống gần 40. Một con dơi nhỏ ở Siberia sống ít nhất 41 năm trong khi động vật như chuột nhà chỉ sống trung bình khoảng hai năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem