Theo các nguồn tin tổng hợp với độ tin cậy cao, giá bản quyền truyền hình trọn gói của ASIAD 2018 mà đối tác KJSMWORLD CORP, công ty có trụ sở tại Hàn Quốc (đơn vị mua lại từ Ban tổ chức ASIAD 2018) chào hàng với 3-4 triệu USD. VTV đã lập tức “nói không” với con số được coi là “trên trời”, quá đắt đỏ và không phù hợp dù đây là đại hội thể thao lớn nhất châu lục và người hâm mộ vô cùng háo hức được chứng kiến các cuộc tranh tài của những niềm hy vọng vàng như Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, đặc biệt là đội Olympic Việt Nam ở môn bóng đá nam.
Việt Nam gặp vướng mắc và rất khó mua bản quyền ASIAD 2018 với lý do muôn thuở: Giá quá cao. Nhưng đây chẳng phải là chuyện bất ngờ bởi cũng không hề ngẫu nhiên mà vấn đề ép giá lại là rào cản lớn nhất. Trong khi Việt Nam gặp bế tắc bởi “nước đến chân mới nhảy” thì từ tháng 11.2017, nhiều quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines... đã mua được bản quyền.
Người hâm mộ Việt Nam khó có cơ hội được xem trực tiếp Ánh Viên thi đấu tại ASIAD 2018
Đáng chú ý nhất, đài truyền hình Cable TV của Hong Kong (Trung Quốc) đã trả 2 triệu USD để có được bản quyền truyền hình ASIAD 2018. Trước đó, đối tác đã đưa ra mức giá lên tới 6 triệu USD cho Hong Kong, nhưng cuối cùng, hai bên đã chốt lại với giá chỉ còn 1/3 con số ban đầu. Quyết tâm mua bản quyền của Hong Kong là điều đáng ghi nhận, nhưng đối tác của họ hẳn cũng đã suy tính rất nhiều rồi mới đồng ý con số 2 triệu USD. Còn Việt Nam thì sao, khi giá bản quyền cứ luôn ở mức “trên trời” ?
Thực tế, ASIAD 2018 cũng chỉ là một sự kiện thể thao lớn đã có lịch cụ thể và VTV hiển nhiên nắm được thời gian tổ chức sự kiện này từ rất lâu. Câu chuyện bản quyền World Cup 2018 vẫn còn nóng hổi, khi người hâm mộ đến phút chót mới thở phào nhẹ nhõm để được xem trực tiếp 64 trận đấu. Trước đó nữa, ở rất nhiều sự kiện thể thao, đặc biệt là các giải bóng đá quan trọng, Việt Nam luôn ở thế bị động về vấn đề bản quyền do bị đối tác ép giá.
Trao đổi với Dân Việt, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho biết: “Theo tôi, về cơ bản, đối tác nước ngoài biết rõ điều gì đang diễn ra ở Việt Nam và họ có cớ để định giá. Có ai ngờ U23 giành HCB châu Á và giờ nhận được sự quan tâm nhiều đến thế. Trong kinh doanh nói chung và vấn đề bản quyền truyền hình nói riêng cũng vậy, luôn chứa đựng những yếu tố may mắn hoặc rủi ro.
Tôi nói thế có nghĩa là nếu các nhà đài Việt Nam thực sự dự đoán được tình hình và luôn đặt mục tiêu phục vụ khán giả lên hàng đầu thì tại sao không có những cam kết dài hơi với FIFA (giữ bản quyền World Cup), UEFA (giữ bản quyền EURO), Hội đồng Olympic châu Á (giữ bản quyền ASIAD)…”.
Vấn đề “dài hơi” như bình luận viên Ngô Quang Tùng chia sẻ là rất đáng suy ngẫm. Bởi ngay sau ASIAD 2018 sẽ là AFF Cup 2018, sự kiện bóng đá chắc chắn được người hâm mộ Việt Nam chờ đợi. Và đối tác cũng hiểu rõ tình yêu của khán giả Việt Nam để định giá về bản quyền. Sẽ không có gì bất ngờ nếu câu chuyện “chi phí cao”, “giá trên trời”, “đợi bản quyền phút chót” lại một lần nữa trở thành đề tài nóng bỏng trước ngày khai mạc AFF Cup 2018. Và không chỉ giải đấu ấy, Việt Nam vẫn tiếp tục bị động ở mọi sự kiện thể thao, nếu vẫn duy trì cách làm theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Nếu không được xem trực tiếp các trận đấu của Olympic Việt Nam ở môn bóng đá nam trên VTV, đó là sự hụt hẫng với người hâm mộ
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Với vấn đề bản quyền, giờ không còn là thời của cách làm “may nhờ, rủi chịu” nữa. Nhu cầu được xem thể thao, được đón nhận những cuộc tranh tài đỉnh cao ở mọi môn thể thao, đặc biệt là bóng đá nam của người hâm mộ Việt Nam là có thật. Vì có thật nên ta mới bị ép giá. Nhưng nếu vấn đề này được xác định với kế hoạch dài hơi, mang tính xuyên suốt với thời gian từ 8-10 năm trở lên thay vì một sự kiện riêng biệt nào đó, rất có thể giá bản quyền đã khác.
Đầu năm nay, khi VTV mua bản quyền phát sóng các trận đấu của vòng chung kết U23 châu Á, người hâm mộ chưa hẳn đã quan tâm. Tới khi U23 Việt Nam thi đấu xuất sắc, tạo nên những kỳ tích thực sự, những trận đấu được phát sóng trực tiếp ấy đã tạo nên nguồn cảm hứng vô bờ bến cho người hâm mộ. Nhưng bây giờ, khi khán giả truyền hình, người yêu bóng đá đã sẵn sàng cho tâm thế cổ vũ Olympic Việt Nam, vấn đề bản quyền với câu chuyện giá cả lại trở thành rào cản. Buồn thay!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.