Có bao nhiêu tài năng gốc Việt chơi bóng ở Bundesliga?

Đông Hưng (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 06/10/2018 18:04 PM (GMT+7)
Mối liên hệ mật thiết về lịch sử “giúp” chúng ta có khá nhiều tài năng bóng đá gốc Việt đang tập luyện ở các lò trẻ thuộc hai giải Bundesliga 1 và 2.
Bình luận 0

Dựa trên những biến cố lịch sử và tình hình kinh tế chính trị trong nước khoảng 30-40 năm trở lại đây, đã có một lượng khá lớn người Việt Nam bỏ ra nước ngoài sinh sống và làm việc, tập trung ở nhiều nước thuộc khối XHCN cũ như Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức…

Dù đi đâu, làm gì và ở đâu, tố chất đặc trưng và luôn được duy trì của con người Việt Nam vẫn là sự nhanh nhẹn, khéo léo, cần cù, hoạt bát. Những ưu điểm này đặc biệt phù hợp với bộ môn thể thao túc cầu vốn phổ biến và được ưa chuộng trên toàn thế giới.

img

Không ngạc nhiên khi thế hệ F2 của nhóm cộng đồng này có khá nhiều gương mặt phát triển theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Riêng tại Đức, nổi bật nhất trong giai đoạn đầu phải kể đến Steven Võ (trưởng thành từ lò Hamburg, hiện khoác áo Rahlstedter).

Sinh năm 1987, chàng tiền vệ cao 1m74 từng gây tiếng vang lớn trong báo giới Việt Nam khi được gọi vào đội tuyển U16 Đức. Tuy nhiên về sau này, cũng như nhiều cầu thủ gốc Việt khác, anh không phát triển thêm về năng lực và từng bước bị đào thải khỏi các hạng đấu chuyên nghiệp.

Bẵng đi một thời gian dài, sau “thế hệ 8x đời giữa” của Steven Võ, người ta mới được biết thêm về một số cầu thủ gốc Việt khác chơi bóng ở Đức. Thế hệ này phần lớn sinh từ năm 1993 trở về sau. Có thể kể đến như cặp trung vệ Adriano Schmidt (Hải Phòng/ từng học việc ở lò Ingolstadt) hay Ngô Đức Thành (FSV Bissingen/ lò Stuttgart Kickers).

Dù vậy, những cái tên này cũng không quá nổi bật về chuyên môn, và chủ yếu chỉ chơi ở các giải nghiệp dư đúng nghĩa. Adriano Schmidt là một ví dụ sinh động. Được đào tạo bài bản ở châu Âu, song khi về nước thi đấu, anh tỏ ra khá “chới với” về năng lực so với các đồng nghiệp bản xứ. May mắn cho anh, Hải Phòng là đội bóng rất “kiên nhẫn”.

img

Để trở thành Đặng Văn Robert hay Đặng Văn Lâm kế tiếp, Adriano Schmidt chắc chắn phải nỗ lực hơn nữa rất nhiều (Ảnh: Hải Phòng FC).

Khoảng đôi năm trở lại đây, không rõ vì lý do gì thế hệ 2000 “bỗng dưng” phát lộ khá nhiều tài năng “có vẻ” sáng sủa hơn. Theo tìm hiểu, chỉ riêng các CLB ở hai giải Bundesliga 1 & 2 đã có 3 cầu thủ trẻ gốc Việt thi đấu ở các tuyến U17 và U19.

Nổi bật trong số này phải kể đến Võ Thành Nhân (U19 Hannover), người sở hữu chiều cao 1m79, thường chơi ở vị trí trung vệ hoặc hậu vệ cánh. Hai cầu thủ còn lại gồm trung vệ Alex Trần (U19 Freiburg) và hậu vệ phải Lục Hoàng Nam (U17 Bochum).

Điểm tương đồng giữa những gương mặt này, đó là việc họ đều không theo tập ở các CLB chuyên nghiệp ngay từ nhỏ, mà chỉ gắn bó với các trung tâm bóng đá địa phương trước khi phát lộ tài năng và được các đội bóng lớn hơn chiêu mộ khi "đủ tuổi".

Cầu thủ 16 tuổi Lục Hoàng Nam chỉ mới chuyển đến U17 Bochum hồi cuối tháng 5 vừa qua. Trước đó em là thành viên của lò TSG Wieseck. Tương tự, Võ Thành Nhân trưởng thành từ JFV Calanberger Land trước khi cập bến Hannover giữa năm 2016.

Ngoài ba trường hợp này, “lặn ngụp” ở các CLB hạng dưới của Đức, chúng tôi cũng phát hiện thêm một vài cái tên hiếm hoi khác. Như tiền vệ cánh Fabian Vy Ngọc (sinh năm 1999/ Eintracht Braunschweig II), hay trung vệ Nguyễn Nhữ Đức Anh (sinh năm 2000/ U19 Rot-Weiss Essen).

Theo khảo sát, gần như 100% số cầu thủ nói trên đều “không nghĩ’ mình là người Việt, hoặc có chút gì đó gốc gác Việt trong người. Một ngày đẹp trời nào đó, nếu có cơ hội được gọi vào đội tuyển Việt Nam, có thể ai đó sẽ nhận lời – nhưng chắc chắn rằng, nó không xuất phát từ lòng yêu nước hay bất kỳ điều gì đó tương tự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem