Điểm tựa Vũ Thị Hương
Tại SEA Games 2017 trên đất Malaysia – nơi vốn vô cùng yêu môn thể thao nữ hoàng, điền kinh Việt Nam đã khiến giới mộ điệu khi từ ngạc nhiên tới bàng hoàng khâm phục. Con số 17 HCV không chỉ giúp những Lê Tú Chinh (3 HCV 100m, 200m, 4x100m), Nguyễn Thị Huyền (3 HCV 400m, 400m rào, 4x400m), Bùi Thị Thu Thảo (HCV nhảy xa)… truất ngôi đầu toàn đoàn của Thái Lan, mà còn gấp đôi số HCV mà điền kinh xứ Chùa vàng (9 HCV) giành được.
Bùi Thị Thu Thảo đã vượt qua nỗi ám ảnh mang tên Maria Londa (trái) để giành HCV SEA Games 2017. Ảnh: Hiền Anh
Ngoài Thu Thảo, điền kinh Việt Nam còn có thể đặt hy vọng vào Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan (400m, 400m rào nữ), Lê Tú Chinh (100m, 200m nữ). Ngay trong những ngày đầu năm mới, thầy trò Tú Chinh sẽ được sang Mỹ tập huấn với hy vọng tạo nên kỳ tích Á vận hội.
|
Trong những lời tâm sự với báo chí khi đứng trên đỉnh vinh quang SEA Games, VĐV trẻ mới bước qua tuổi 20 Lê Tú Chinh đã không giấu nổi sự nghẹn ngào khi được so sánh với đàn chị Vũ Thị Hương: “Em nghĩ biệt danh “nữ hoàng tốc độ” rất đẹp và phù hợp với chị Hương. Em còn trẻ và chưa đạt tới tầm đó. Suốt quãng thời gian chuẩn bị cho SEA Games 2017, qua facebook, chị Hương vẫn thăm hỏi, động viên cho em và điều đó giúp em có thể động lực để chinh phục đường đua”.
Thực tế, không chỉ với riêng Tú Chinh mà với hầu hết những VĐV điền kinh Việt Nam, Vũ Thị Hương từ lâu đã là một tượng đài của ý chí, nghị lực và khát khao vượt qua những giới hạn của chính mình. Những bước chạy của Vũ Thị Hương như truyền lửa đam mê tới lớp lớp thế hệ VĐV, kể từ khi cô đặt mốc son với tấm HCĐ 100m đầu tiên cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2010 (tại kỳ Á vận hội này, Hương còn giành thêm 1 HCB 200m, Trương Thanh Hằng giành 2 HCB 800m, 1.500m), cho tới lúc chấp nhận về đích cuối cùng lượt chạy chung kết 200m ASIAD 2014 ở tuổi 28.
Xen giữa 2 kỳ ASIAD 2010 và ASIAD 2014 là dấu ấn tuyệt vời có thể khiến tất cả phải ngả mũ trước ý chí thép của cô gái Thái Nguyên. Tại SEA Games 2013 (Myanmar), Hương giành cú đúp HCV 100m, 200m. Điều phi thường nằm ở chỗ cách đó khoảng nửa năm, tháng 6.2013, chị đã phải trải qua ca phẫu thuật u nang buồng trứng.
“Tôi luôn tâm niệm, trước mọi thử thách phải luôn cố gắng, cố gắng không ngừng. Và khi đi qua những thử thách ấy, tương lai xán lạn sẽ lại mở ra” – lời nhắn nhủ của Vũ Thị Hương với thế hệ đàn em trước khi giã từ sự nghiệp vào năm 2015.
Niềm tin Thu Thảo
Bùi Thị Thu Thảo là niềm hy vọng số 1 có thể giúp điền kinh Việt Nam giành HCV ASIAD 2018. Ảnh: Hiền Anh
Tính đến thời điểm này, điền kinh Việt Nam vẫn chưa thể giành được 1 tấm HCV ASIAD. Đó là lý do nhiều người nói vui nếu giành được HCV ASIAD 2018 thì tấm HCV đó còn đáng giá hơn 17 HCV SEA Games 2017.
Thực tế, điền kinh Việt Nam hoàn toàn có thể biến “giấc mơ vàng” thành hiện thực khi lúc này, thành tích của VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo rất đáng được kỳ vọng.
Cách đây 4 năm, tại ASIAD 2014 (Hàn Quốc), Bùi Thị Thu Thảo bất ngờ xuất hiện như một “cánh chim lạ” với tấm HCB Á vận hội khiến bao người phải ngỡ ngàng. Thành tích 6,44m của Thảo thời điểm đó được coi là rất… kỳ lạ bởi trước thềm ASIAD 2014 khoảng 2 tháng, cô còn không có tên trong danh sách đoàn thể thao Việt Nam tới xứ Kim chi tranh tài.
Trên hành trình theo đuổi niềm đam mê của mình, có lúc cô gái sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Đồng Thái, Ba Vì (Hà Nội) đã vô cùng chán nản, bỏ nghề đi làm phu hồ, thợ xây để mưu sinh. Sau này nhìn lại, Thảo gọi đó là những tháng ngày nông nổi, lạc lối của tuổi trẻ. Và chỉ có tình yêu thương, sự động viên của cha mình mới có thể giúp cô trở lại đúng đường.
Tại SEA Games 2017, Thu Thảo đã đạt tới thông số 6,68m, vượt qua nỗi ám ảnh mang tên Maria Londa (Indonesia, 6,47m - người đã “ẵm” mất HCV ASIAD 2014, SEA Games 2015 của Thảo) để bước lên bục cao nhất một cách vô cùng thuyết phục.
Ở tuổi 26, Thảo đang là niềm hy vọng lớn nhất của điền kinh Việt Nam với mục tiêu giành HCV ASIAD lịch sử: “Tại ASIAD 2018, điền kinh có không ít cơ hội và khả năng tranh chấp HCV, đặc biệt ở nội dung nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Thảo vẫn là Maria Londa (thành tích tốt nhất là 6,55m – HCV ASIAD 2014; trong khi thành tích tốt nhất của Thảo lúc này là 6,68m và có thể cải thiện thêm trong thời gian tới – PV)”, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chánh văn phòng Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tự tin nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.