Hiệu ứng U23 Việt Nam cũng không giúp được V.League

Thứ sáu, ngày 25/05/2018 15:10 PM (GMT+7)
V.League mùa giải năm nay đã có vòng đấu khai mạc vô cùng hoành tráng. Cơn sốt mang tên U23 Việt Nam đã kéo một số lượng đông đảo CĐV đến các sân bóng. Tuy nhiên, khi sức nóng từ lứa cầu thủ trẻ đã vơi đi ít nhiều, vấn đề trong mối quan hệ giữa nền bóng đá và người hâm mộ lại một lần nữa được phơi bày.
Bình luận 0

Khi sức hút của một giải đấu phải phụ thuộc vào các cầu thủ trẻ

Từ khi Lê Công Vinh giải nghệ, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có một hình tượng ngôi sao, một thần tượng đúng nghĩa – đó là người có tài năng, sở hữu nhiều danh hiệu lớn, và mẫu mực trong đời sống cá nhân. Có thể chỉ ra một vài cái tên quen thuộc với đại đa số cổ động viên hiện nay như Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải, Tiến Dũng hay Văn Toàn. Đây cũng có thể coi là những thần tượng bóng đá đương thời trong mắt của những đứa trẻ xem bóng đá.

Không có gì sai khi thần tượng những con người đã mang về chiến tích vẻ vang cho nền bóng đá nước nhà. Vấn đề ở đây là những con người ấy mới chỉ là những cầu thủ ở độ tuổi đôi mươi. Họ đã chơi tuyệt vời ở một giải đấu ngắn hạn hồi đầu năm. Nhưng giải quốc nội là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ngoại trừ Phan Văn Đức gần đây tỏa sáng ở SLNA, Công Phượng, Xuân Trường và Văn Toàn vẫn đang chật vật cùng HAGL, Quang Hải có phong độ khá nghèo nàn dù Hà Nội đang bay cao, Tiến Dũng cũng không thể có một suất bắt chính trong đội hình Thanh Hóa. Các CLB chủ quản ngày một thận trọng hơn trong việc sử dụng những cái tên trẻ. CĐV cũng ít dần cơ hội chứng kiến cầu thủ con cưng của mình tỏa sáng, trong khi họ lại không còn một ai khác để chờ đợi trước mỗi trận đấu. Sức hút của giải từ đó cũng giảm đi đáng kể.

Nếu trong ba vòng đấu đầu tiên, giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam thu hút tới 223 nghìn khán giả đến sân, trong đó ngay vòng đấu đầu tiên con số là 80 nghìn người, thì ba vòng đấu gần đây nhất, lượng CĐV đã giảm đi rõ rệt. Thảm hại nhất là vòng 7 chỉ có khoảng 42 nghìn khán giả tới sân, đặc biệt là cuộc đối đầu giữa SLNA và Bình Dương, số người hâm mộ đến cổ vũ chỉ có vỏn vẹn… 2.5 nghìn người. Đáng nói, đó mới chỉ là con số thống kê dựa trên lượng vé phát hành, chưa tính đến trường hợp người mua vé nhưng không đến sân.

img

Số lượng khán giả đến sân theo dõi V.League giảm đi trông thấy.

Chất lượng thấp và vẫn tồn tại những vấn đề quen thuộc

Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nguyên nhân chủ yếu khiến người hâm mộ không còn mặn mà với giải đấu quốc nội là do chất lượng chuyên môn còn thấp. Trong cuộc phỏng vấn với Báo Giao Thông, ông cho rằng: “VPF đã có nhiều thay đổi, nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ về một giải đấu chất lượng. Vấn đề trọng tài, bạo lực sân cỏ, những mâu thuẫn hậu trường khiến người hâm mộ không muốn tới sân”.

Cũng dễ hiểu vì từ trước đến nay, V.Leauge vốn vẫn là một giải đấu rất “phức tạp”. Phức tạp từ mối quan hệ của các ông chủ với đội bóng, từ những mâu thuẫn nội bộ cho đến màn trình diễn gây nhàm chán của các cầu thủ trên sân. Lý do nào để các CĐV tới chứng kiến đội nhà thi đấu khi họ không được chiều lòng bằng một thứ bóng đá “sạch” và “đẹp”? Tại sao lại phải đến sân cổ vũ khi những gì họ nhìn thấy hàng ngày không phải là “phạm lỗi thô bạo” thì cũng là “phản ứng lại trọng tài”, “những án treo giò” hay “lục đục nội bộ”?

Cứ ngỡ niềm tin đã trở lại cùng các cầu thủ trẻ đội tuyển U23 nhưng sau khi cơn sốt đã hạ nhiệt thì mọi thứ đâu lại vào đấy. Đây cũng chính là lý do mà hầu hết các CLB ở V.League không có hoặc có rất ít lực lượng CĐV ruột – những người sẵn sàng theo chân ủng hộ đội bóng trong mọi hoàn cảnh. Phần lớn người hâm mộ bây giờ đến sân theo dạng “phong trào”, dễ thích nhưng cũng dễ chán nên số lượng không thể ổn định qua từng vòng đấu. Bóng đá không có người xem, các nhà tài trợ cũng vì thế mà không còn mạnh tay đầu tư cho đội bóng. Điều kiện vật chất không đủ đáp ứng, thành tích đội nhà đi xuống, khán giả lại càng thờ ơ hơn. Tất cả trở lại một vòng luẩn quẩn mà không ai tìm được lối ra. Nhìn sang một giải đấu quen thuộc với người hâm mộ bóng đá Việt Nam là giải Ngoại Hạng Anh, ngay cả những CLB phải xuống hạng hay thậm chí những CLB nhỏ thuộc các hạng đấu dưới cũng đều có lực lượng CĐV trung thành. Để được như vậy, bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ còn phải trải qua một quãng đường rất dài trước mắt.

img

CĐV trung thành sẽ là yếu tố cơ bản để V.League trở nên hấp dẫn hơn.

Kết

Một phần ba mùa giải đã đi qua và người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy những hạt sạn. Sẽ còn là cơn đau đầu không hề dễ chịu dành cho ban tổ chức cũng như từng đội bóng trong nỗ lực giải quyết những hạt sạn ấy trong 18 vòng đấu còn lại. Đến khi nào mỗi cuối tuần ra sân, mọi cầu thủ đều cảm nhận được khí thế hừng hực từ những khán đài không còn chỗ trống, đó mới là lúc để khẳng định bóng đá Việt Nam đã hoàn toàn chiếm được trái tim của người hâm mộ.

Thế Trung (Thể Thao 247)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem