Câu chuyện King’s Cup
Nếu như trong quá khứ, bóng đá Thái Lan luôn là nỗi ám ảnh đối với các cầu thủ Việt Nam thì nay mọi thứ đã xoay chiều. Nói không quá, chính thầy trò HLV Park Hang-seo mới là “cái gai” trong mắt đội bóng xứ Chùa vàng.
Sau 2 trận thua ở cấp độ đội U23 mà gần nhất là thất bại cay đắng 0-4 ở vòng loại giải U23 châu Á 2020, Thái Lan “trải thảm đỏ” mời Việt Nam dự King’s Cup 2019 – một giải đấu lâu đời, giàu truyền thống với quyết tâm “trả nợ”. Sự tự tin và sốt ruột của người Thái thể hiện ngay ở việc họ quyết định thay đổi điều lệ để phân ngôi thứ với Việt Nam ngay ở trận ra quân.
Đội tuyển Việt Nam đã thắng chủ nhà Thái Lan 1-0 tại King’s Cup 2019. Ảnh: I.T
Với vị trí á quân King’s Cup và tích lũy thêm điểm trên bảng xếp hạng FIFA tháng 6.2019, đội tuyển Việt Nam gần như chắc chắn có tên trong tốp 100 thế giới và tốp 16 châu Á. Điều này có ý nghĩa giúp thầy trò HLV Park Hang-seo được xếp vào nhóm 2 khi phân hạt giống bốc thăm vòng loại World Cup 2022 và tránh nhiều đối thủ mạnh. |
Nhưng càng cay cú bao nhiêu, Thái Lan càng phải đối diện với thực tế phũ phàng bấy nhiêu khi “lão tướng” Anh Đức ở tuổi 33 đã ghi bàn quyết định ở những giây cuối cùng của trận đấu, đưa Việt Nam vào chung kết trong sự câm lặng của hàng chục nghìn khán giả có mặt trên sân Chang Arena (Buriram).
Sau thất bại ở cấp độ đội tuyển ngay trên sân nhà, giới truyền thông, cổ động viên xứ Chùa vàng đã vô cùng thất vọng, đòi sa thải cả… Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan chứ chẳng riêng gì HLV Sirisak Yodyadthai. Bản thân HLV Sirisak Yodyadthai thì vẫn tỏ ra không phục khi cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới trận thua 0-1 trước Việt Nam là do ngôi sao Chanathip không thể dự giải vì chấn thương. Trong khi đó, chân sút kỳ cựu Dangda lại không đảm bảo 100% thể lực. Trước giới truyền thông, HLV Sirisak Yodyadthai mong muốn gặp lại Việt Nam càng sớm càng tốt để xem “mèo nào cắn mỉu nào”.
Vấn đề là càng không phục bao nhiêu, bóng đá Thái Lan lại càng “thèm thuồng” thứ bóng đá mà thầy trò HLV Park Hang-seo đang thể hiện bấy nhiêu trong trận chung kết King’s Cup 2019 với đội bóng châu Mỹ Curacao. Bất chấp trong đội hình Curacao có nhiều cầu thủ đẳng cấp đang thi đấu ở châu Âu, đặc biệt là ở giải Ngoại hạng Anh, giải vô địch quốc gia Hà Lan, những Văn Toàn, Công Phượng… vẫn tự tin cầm bóng, đi bóng và dứt điểm. Nếu may mắn hơn, có lẽ đội tuyển Việt Nam đã có thể đá bại Curacao, thay vì chấp nhận thua trong loạt đá luân lưu may rủi.
Đi tìm nhân tố mới
Thực tế, dù lên ngôi vô địch King’s Cup 2019 nhưng HLV người Hà Lan Remko Bicentini đã phải dành những lời ngợi khen cho màn thể hiện của đội tuyển Việt Nam: “Đó là một tập thể giàu năng lượng. Các cầu thủ tấn công và thủ môn chơi rất tốt”. Trong khi đó, các chuyên gia trong nước cũng hết lời ca ngợi tài cầm quân của HLV Park Hang-seo, đặc biệt là khả năng ứng biến cực nhanh và hiệu quả trong từng thời điểm cụ thể của trận đấu. “Cách thay người, xoay chuyển đội hình của HLV Park Hang-seo tại King’s Cup được các cầu thủ thích nghi, vận hành rất tốt.
Tất cả đã cho thấy sự nhuần nhuyễn, kỷ luật trong lối chơi quen thuộc đã được đội tuyển Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Các tuyển thủ đã thể hiện được sự trưởng thành về bản lĩnh, kinh nghiệm, sự tự tin qua từng giải đấu. Với HLV Park Hang-seo, có cảm giác như đội tuyển Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và có thể tạo được những bất ngờ tại vòng loại World Cup 2022 vào tháng 9 tới”- bình luận viên Ngô Quang Tùng nhận định.
Một minh chứng mà bình luận viên Ngô Quang Tùng nêu ra để nói lên tiềm năng của bóng đá Việt Nam là trường hợp của Văn Kiên (Hà Nội FC):
“Văn Kiên lần đầu khoác áo đội tuyển chơi trận chung kết với đối thủ mạnh như Curacao nhưng đã thể hiện được sự chững chạc ngay trong những thời điểm khó khăn.
Vậy thì rõ ràng bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều nhân tố mới chưa được biết đến, đang ẩn khuất đâu đó. Với tài năng, tầm nhìn của HLV Park Hang-seo, tôi tin những ngày tháng tươi đẹp của bóng đá Việt Nam vẫn đang ở phía trước”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.