Lịch sử SEA Games: Malaysia mang điềm lành tới cho Việt Nam

Tuệ Minh Thứ sáu, ngày 04/08/2017 06:08 AM (GMT+7)
Một chi tiết ít người biết là trên hành trình 58 năm lịch sử Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) kể từ lần đầu được tổ chức năm 1959 tại Thái Lan, mỗi  khi Malaysia là chủ nhà, Thể thao Việt Nam (TTVN) thường rất may mắn, đặt những mốc son quan trọng…
Bình luận 0

Lần đầu tổ chức, Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (gọi tắt là SEAP Games) 1959 có sự tham dự của 6 nước Lào, Campuchia, Miền nam Việt Nam, Myanmar, Singapore và chủ nhà Thái Lan. Tham dự Đại hội, 527 VĐV tranh tài ở 12 môn. Thái Lan nhất toàn đoàn với 35 HCV, 26 HCB, 16 HCĐ. Miền nam Việt Nam đứng thứ 5/6 với 5 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ.

Ở các kỳ SEAP Games tiếp theo cho tới năm 1973 (trừ năm 1963 không tổ chức vì chiến tranh ở Campuchia – nước chủ nhà dự kiến), Miền nam Việt Nam vẫn luôn tham dự và thường đứng ở vị trí thứ 5-6. SEAP Games 8 – 1975 tại Thái Lan, Việt Nam không tham dự.

img

U22 Việt Nam đang nỗ lực tập luyện tại Hàn Quốc với quyết tâm thỏa mãn "cơn khát vàng" SEA Games. Ảnh: I.T

Năm 1977, SEAP Games 9 tại Malaysia đổi tên thành SEA Games và Việt Nam cũng không tham dự Đại hội lần này. Tiếp tục thời gian dài sau đó, từ SEA Games 10-1979 đến SEA Games 14 -1987, Việt Nam không tham dự.

SEA Games 15-1989 tổ chức tại Malaysia đánh dấu sự trở lại của đoàn TTVN. Đại hội lần này có sự than dự của 3216 VĐV, HLV đến từ 9 nước. Việt Nam được 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ, xếp thứ 7/9. Indonesia dẫn đầu toàn đoàn với 102 HCV.

Sau kỳ SEA Games 16 vẫn đứng thứ 7/9 toàn đoàn, tới SEA Games 17, TTVN đã vươn lên xếp thứ 6/9 với 9 HCV, 6 HCB, 19 HCĐ.

SEA Games 18 – 1995 (Thái Lan) có 10 đoàn tham dự. TTVN vẫn giữ được vị trí thứ 6 với 10 HCV, 18 HCB, 24 HCĐ. Điểm nhấn được người hâm mộ nhớ nhất là đội tuyển bóng đá Việt Nam với “thế hệ vàng” Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Hữu Đang… dưới sự dẫn dắt của cố HLV người Đức Weigang đã giành HCB khi chỉ chịu thua Thái Lan trong trận chung kết.

SEA Games 19-1997 (Indonesia) đánh dấu bước tiến nhảy vọt về số lượng huy chương khi TTVN giành được 35 HCV, 48 HCB, 50 HCĐ, xếp thứ 5/10 toàn đoàn.

Sau bước lùi về thành tích ở SEA Games 20-1999 (Brunei) với vị trí thứ 6/10, chỉ giành được 17 HCV, tới SEA Games 20-2001 (Malaysia), TTVN đã lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên xếp thứ 4/10 toàn đoàn với 33 HCV, 35 HCB, 64 HCĐ.

Đây được coi là bước đệm hoàn hảo để TTVN bước lên đỉnh khu vực ở SEA Games 22-2003, SEA Games đầu tiên có sự tham dự đủ của 11 nước. Với vị thế chủ nhà, cách đây 14 năm, TTVN đã đoạt được số huy chương “kỷ lục” 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ, gần gấp đôi số HCV mà đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan (90 HCV) giành được.

Trong 6 kỳ SEA Games từ SEA Games 23-2005 (Philippines) đến SEA Games 28-2015 (Singapore), có tới 5 lần đoàn TTVN xếp thứ 3 toàn đoàn. Chỉ có kỳ SEA Games 25-2009 (Lào), TTVN xếp thứ 2.

Điều đáng ghi nhận là ở kỳ SEA Games gần nhất năm 2015, trong số 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ giành được, các môn thể thao Olympic của đoàn TTVN đã rất khởi sắc. Ước tính hơn 85% huy chương vàng là ở các môn Olympic.

Phía trước, tại SEA Games 29-2017 (Malaysia) khai mạc ngày 19.8, đoàn TTVN đặt mục tiêu giành từ 49 đến 59 HCV. Trong đó theo tính toán, để lọt vào tốp 3, chúng ta phải giành khoảng 65 HCV.

Với những người ưa thích những trầm tích, SEA Games 2017 được dự đoán là rất may mắn và có thể, rất có thể, U22 Việt Nam sẽ làm nên lịch sử với tấm HCV môn bóng đá nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem