Với bản lĩnh, nghị lực tuyệt vời, Lê Văn Cương đã nhiều lần mang vinh quang về cho Tổ quốc tại các giải thể thao NKT châu lục và thế giới, mà gần nhất là tấm HCV giải vô địch châu Á cuối tháng 7.2015, phá kỷ lục thế giới.
Tàn nhưng không phế
Bộ sưu tập huy chương của anh Công. Ảnh: Thái Kiên
Đến giờ, trong ký ức của Lê Văn Công vẫn chưa quên những ánh mặt vừa thương, vừa kỳ lạ của mọi người nhìn vào đôi chân teo tóp của anh thuở còn thơ bé. Sự mặc cảm khiến cậu bé Công chọn cách trốn biệt trong nhà không đi đâu. Nhưng ngày tháng trôi qua, nhìn ba mẹ ngày ngày lao động vất vả lo cho 5 người con, Công đã ý thức được trách nhiệm của một người thanh niên khi bước sang tuổi đôi mươi. Tự biết bản thân không thể làm ruộng như bao người ở làng quê nghèo Hà Tĩnh, ở tuổi 20, anh đã một mình vào Nam đăng ký học sửa chữa điện tử tại một trường dạy nghề cho NKT.
“Tôi là con thứ 2 trong gia đình lại là đàn ông con trai, không thể cứ sống bám hoài cha mẹ. Yếu chân còn tay, làm được gì thì làm chứ. Ít ra cũng sẽ thay đổi được chút gì cho cuộc sống của mình và gia đình” - Công mở lòng.
VĐV Lê Văn Công tại giải Thể thao NKT toàn quốc 2015. Ảnh: Thái Kiên.
Vừa vào ổn định chỗ ăn chỗ ngủ xong, Công mới tá hỏa, tiền xe, tiền mua sách vở… làm số tiền ít ỏi mang theo gần như hết sạch. Lúc ấy ngoài giờ học, Công xin chà giấy nhám ở các xưởng mộc để kiếm tiền sinh hoạt. Ra trường, cái khó tiếp tục bám lấy chàng thanh niên giàu nghị lực.
“Mới ra trường háo hức lắm, nhưng xin chỗ nào cũng bị lắc đầu từ chối. Họ nhìn chân mình vậy nên chê, dù tôi biết năng lực mình làm còn tốt hơn một số người ấy chứ. Bất đắc dĩ, tôi đành nhận công việc đánh văn bản với thù lao 200 đồng cho 2 mặt giấy và học thêm chỉnh sửa hình ảnh trên vi tính tại câu lạc bộ khuyết tật trẻ. Do mọi công việc đều làm bằng tay nên tay tôi khá to và được câu lạc bộ giới thiệu sang tập tại Trung tâm TDTT Tân Bình. Trong khoảng thời gian này, tôi cũng được một người bạn bảo tới làm nghề sửa chữa lắp ráp điện tử tại xưởng của cậu ta” - Công bộc bạch.
Thành VĐV cử tạ vì bị… “bắt cóc”
Nói về cơ duyên VĐV Lê Văn Công đến với cử tạ, huấn luyện viên Nguyễn Hồng Phúc - người thầy đã phát hiện ra tố chất của một nhà vô địch nơi anh cho hay: "Lúc đầu đến Trung tâm TDTT Tân Bình, khi chọn môn thể thao để tham gia tập luyện thì Công chọn điền kinh. Tôi nhắm thấy em ấy có tố chất bên cử tạ hơn và cũng có sự thích thú dành cho môn này, vậy là tôi “bắt cóc” luôn".
Ông thầy gắn bó với Lê Văn Công gần chục năm nói thêm: “Một VĐV bình thường nếu muốn thi đấu cử tạ thuộc dạng khá phải mất ít nhất 2 năm trở lên, vậy mà Công tập ngấp nghé chỉ một năm là ra thi đấu được, còn giật luôn chiếc HCB giải quốc gia tại Hà Nội năm 2005. Công không chỉ có tố chất mà sự tự giác, quyết tâm trong tập luyện, thi đấu cũng rất đáng nể. Bình thường thấy Công vui vui hiền hiền vậy, chứ bước vào thi đấu là "máu chiến" ghê lắm, cứ như bị khùng vậy”.
Con trai thích thú xem bố Công tập luyện. Ảnh: T.K
Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời VĐV của Lê Văn Công đến vào năm 2011. Đang trong giai đoạn thăng hoa của sự nghiệp mà đáng kể nhất là chiếc HCV Para Games 2009 với kỷ lục 165kg, Công gặp tai nạn xe máy chấn thương khớp cơ chính ở vai. Tai nạn khá nặng khiến anh phải nghỉ suốt 3 năm.
Những tưởng lực sĩ quê Hà Tĩnh đã phải nói lời chia tay với cuộc đời VĐV, nhưng bằng sự đam mê và quyết tâm phi thường, Công đã trở lại mạnh mẽ để liên tục gặt hái những thành tích vang dội tại đấu trường quốc tế mà mới nhất là tấm HCV giải vô địch châu Á cuối tháng 7.2015 tại Almaty (Kazakhstan). Với thành tích 182kg, Công phá luôn kỷ lục thế giới 181,5kg do chính mình lập vào tháng 10 năm ngoái tại Đại hội thể thao châu Á. Thành tích này giúp Lê Văn Công đạt chuẩn A để tham dự Paralympic 2016 tại Brazil.
Nói về mục tiêu của mình sắp tới, lực sĩ Lê Văn Công khiêm tốn bày tỏ: "Hiện tôi đang cố gắng chuẩn bị cho Para Games 2015 tại Singapore vào tháng 12. Còn về giải đấu tại Brazil vào năm sau, tôi luôn đặt mục tiêu sẽ có huy chương. Tuy nhiên từ đây đến đó còn tới một năm, mình chưa biết trước được chuyện gì nên chỉ cố gắng tập luyện mỗi ngày thôi".
Gia đình là điểm tựa niềm tin
Mới đây, hay tin anh Công mua được nhà, ai cũng mừng cho anh thoát được cảnh ở nhà thuê suốt nhiều năm qua. Tuy nhà của anh nằm tận bên tỉnh Long An, giáp ranh TP.HCM, nhưng đó cũng làm lực sĩ 31 tuổi này hạnh phúc. “Sức đâu mà mua nhà trong thành phố. Tiền này cũng do thi đấu, dành dụm nhiều năm mới được. Còn phải để tiền lo cho thằng cu nữa” - anh Công chia sẻ.
“Báu vật” của anh - cậu nhóc Tuấn Anh năm nay gần 5 tuổi, kháu khỉnh, cũng là một fan "cuồng" của cha. Món đồ cậu bé thích nhất trong nhà không gì khác chính là những chiếc huy chương mà cha giành được.
“Mỗi lúc thi đấu nước ngoài, tôi hay tranh thủ gọi về hỏi thăm mẹ con. Lần nào thằng cu cũng có một câu: Bố ơi mang HCV về cho con nha. Câu nói ấy khiến tôi vừa vui vừa cảm động, bản thân cũng có thêm động lực để cố gắng” - Công hạnh phúc nói.
Những lần anh Công thi đấu xa nhà, vợ con anh và lối xóm thường quay quần lại xem tivi và cổ vũ. Hào hứng nhất không ai khác chính là cậu con trai anh. “Mỗi khi biết bố mình vô địch, cu cậu gặp ai cũng khoe bố con lấy HCV rồi nè. Khi anh ấy lên tập huấn cùng đội, cu cậu nhớ là cầm điện thoại gọi bố, chỉ nhớ đúng một số điện thoại của bố thôi” - chị Út Tám vợ anh Công kể.
Theo dòng tâm sự, chị Út Tám kể lý do vì sao mình chấp nhận gắn bó cuộc đời với một NKT: "Hồi đó thấy ổng thật thà, chất phác, hiền lành lắm nên tôi thương. Ngày ấy gia đình tôi cấm cản ghê lắm, nhưng con gái quyết quá cũng ưng. Sau dần thấy tính anh tốt, chăm lo được cho vợ con nên gia đình tôi thương lắm, có khi còn thương hơn thương tôi nữa”.
Quan sát qua các vật dụng trong nhà anh: Chiếc xe máy ba bánh cũ kỹ gắn bó với anh đã 10 năm; dàn karaoke được chính tay anh lượm lặt, lắp ráp lại từ chính những đồ hư hỏng người khác vứt đi mà âm thanh cũng rất ngon... Những lúc "ngứa nghề cũ", anh Công lại sửa chữa các đồ điện trong nhà hay của hàng xóm nhờ cậy. Vợ anh ngồi khâu vá bên cạnh thằng con nghịch ngợm những chiếc huy chương của bố...
Mái ấm bình dị nhưng ấm áp chính là động lực lớn giúp Công yên tâm chinh phục những nấc thang mới trong sự nghiệp. Nhưng ngay từ bây giờ, với những gì đã làm được, lực sĩ Lê Văn Công xứng đánh là nhà vô địch không chỉ trong thể thao mà cả trong cuộc sống!
Một số thành tích đáng chú ý của lực sĩ cử tạ NKT Lê Văn Công (hạng 49kg): HCB toàn quốc 2005, HCV châu Á 2007, HCB giải vô địch cử tạ thế giới 2007, HCV Para Games 2009, 2014, HCB thế giới tháng 4.2014, HCV Đại hội thể thao châu Á 10.2014, HCV châu Á 2015.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.