Tại AFF Cup 2014, ĐT Singapore đã nói không với cầu thủ nhập tịch. Giờ đây, ĐTQG nước này 100% là những cầu thủ sinh ra tại bản địa. Thế nhưng trước đó, đảo quốc sư tử từng đi đầu Đông Nam Á về trào lưu sử dụng các cầu thủ nhập tịch và thực tế thì những “ngoại binh” ấy đã mang lại cho họ rất nhiều thành công. Những cầu thủ nhập tịch trước đây gồm Agu Casmir, Precicous (Nigeria), Daniel Bennett (Anh), Aleksandar Duric, Mutafic Farudin (Serbia), Shi Jiayi, Qui Li (Trung Quốc)… đã trở thành những trụ cột đem lại vinh quang cho ĐT Singapore dưới thời HLV Avramovic với 3 chức vô địch AFF Cup 2004, 2007, 2012. Thậm chí Aleksandar Duric còn được coi là huyền thoại của bóng đá nước này.
Hơn nửa đội hình hiện tại của Philippines sinh ra tại nước ngoài. Ảnh: Goal.
Không dùng cầu thủ nhập tịch, bóng đá Singapore có sự đi xuống trông thấy. Tại AFF Cup 2014, ĐT Singapore bị loại ngay từ vòng bảng. Tại SEA Games 2015 tại chính quê hương mình hồi tháng 6 năm ngoái, đội tuyển U23 nước này cũng chịu chung số phận như đàn anh. Thời gian qua, một số tờ báo của Singapore đã yêu cầu LĐBĐ Singapore nên xem xét lại chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch.
Tiếp bước Singapore, Philippines cũng quyết định dùng chính sách nhập tịch để cải thiện thành tích thi đấu, thay vì năm nào cũng chịu phận “lót đường”. Tất nhiên, ngoài chuyện sử dụng những ngoại binh 100%, Philippines cũng rất biết cách tận dụng nguồn lực từ giới kiều bào (tức những cầu thủ có bố mẹ, ông bà là người Philippines). Hãy xem, đội hình ĐT Philippines hiện nay có tới phân nửa vốn sinh ra ở châu Âu, châu Úc, Mỹ, UAE, Nhật Bản... Có thể kể ra Neil Etheridge, Tomas Trigo, Juan Luis Guirado, Kenshiro Daniels, Luke Woodland, Iain Ramsay, Dennis Villanueva, Martin Steuble, Javier Patino, OJ Porteria… Dàn sao nhập tịch đã giúp ĐT Philippines 3 năm liền góp mặt ở bán kết AFF Cup, điều mà trước đó có nằm mơ các CĐV bóng đá nước này cũng không dám nghĩ tới.
>> XEM THÊM: Bóng đá Việt để “sổng” Lee Nguyễn, Tristan Đỗ như thế nào?
Đông Timor là quốc gia mới nhất của Đông Nam Á sử dụng cầu thủ nhập tịch quy mô lớn. Thậm chí họ còn từng bị kiện lên FIFA vì sử dụng tới 7 cầu thủ gốc Brazil không đủ điều kiện trong trận đấu với ĐT Palestine tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Tất nhiên, trước khi bị cáo buộc, những cầu thủ nhập tịch cũng đã giúp Đông Timor tạo ra những trận đấu đáng ghi danh vào lịch sử bóng đá nước này. Có thể kể ra trận hòa 1-1 với Malaysia, thua UAE 0-1 hay hòa Palestine 1-1. Giờ đây, LĐBĐ Đông Timor đã thận trọng hơn trong việc dùng cầu thủ nhập tịch nhằm tránh bị FIFA trừng phạt, nhưng có điều dễ nhận thấy, nền bóng đá non trẻ của họ đã có một vị thế cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Ngoài 3 quốc gia kể trên, Indosenia, Malaysia và Brunei cũng là những nước nhiều lần sử dụng các cầu thủ nhập tịch. Tuy vậy, mức độ đóng góp của các cầu thủ nhập tịch đối với các ĐTQG nước họ là không lớn. Trong khi đó, Thái Lan – nền bóng đá số 1 khu vực lại tỏ ra rất dè dặt. Họ chỉ sử dụng những cầu thủ nước ngoài có gốc gác Thái Lan. Điển hình như Tristan Đỗ - hậu vệ sinh ra tại Pháp, nhưng cả bố và mẹ thì lại sinh ra tại Thái Lan (ông bà nội là người gốc Hà Nội). Myanmar, Lào và Campuchia, vì nhiều lý do khác nhau mà cho tới giờ, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch còn rất hạn hữu…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.