Thời gian qua, V.League 2016 đã diễn ra với nhiều chuyển biến tích cực trong cách điều hành giải đấu và vận hành bộ máy ban tổ chức giải. Thế nhưng, bên cạnh đó, những người làm chuyên môn của bóng đá Việt Nam cũng đang trải qua một nỗi lo vô hình song hiện hữu. Kí ức của scandal bán độ Ninh Bình hay SEA Games 23 tại Philippines vẫn còn cực kì rõ nét. Bởi vậy, những người hâm mộ bóng đá chân chính trên cả nước luôn lo ngại và đặt dấu hỏi lớn khi có bất cứ dấu hiệu của bóng đá “bẩn” nào xuất hiện.
Các trận đấu tại V.League 2016 ngang nhiên xuất hiện trên mạng cá độ.
Mới đây, một số trang mạng cá độ bóng đá đã xuất hiện các trận đấu của V.League 2016. Điều này không khiến người hâm mộ bất ngờ bởi nó đã diễn ra rất nhiều lần trong quá khứ . Mặc dù, các cơ quan chức năng cũng đã liên tục vào cuộc để đưa những kẻ biến bóng đá thành công cụ đánh bạc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật song để tận diệt hình thức này là chuyện không phải một sớm một chiều có thể làm được.
Cá độ bóng đá không những lôi kéo những con người ham mê đặt cược mà còn tạo nên sự phá hủy vô hình tới bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ, trọng tài, người trong cuộc đứng trước nguy cơ bị dụ dỗ đá “bẩn”, dàn xếp tỉ số để hợp với kết quả trên trang mạng cá độ. Không ít cầu thủ lớn đã dính chàm, chắc hẳn người hâm mộ không bao giờ quên lứa cầu thủ tài năng của SEA Games 23: Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Văn Nhiên… Đó là nỗi đau vẫn chưa bao giờ nguôi của bóng đá Việt Nam.
Để tránh tình trạng tiêu cực, đầu mùa giải năm nay, VFF cũng đã hợp tác với Sportradar nhằm theo dõi các trận đấu để phát hiện đá “bẩn” nhưng thực tế hệ thống này vẫn có thể bị vượt qua nếu người tiêu cực là các trọng tài hoặc các cầu thủ đã “diễn” quá tuyệt vời. Bởi vậy, VFF cần ngay lập tức có những biện pháp mới, những biện pháp răn đe, giáo dục với các cầu thủ, trọng tài, ban huấn luyện các đội bóng. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm thanh lọc các hình thức cá độ đang tồn tại để phòng tránh “bóng đá bẩn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.