“Tôi thật sự không hiểu làm thế nào mà 200 người hâm mộ của chúng tôi có thể đánh bại tới vài nghìn người Anh tại các thành phố của Pháp”, Tổng thống Nga Putin phát biểu hôm thứ sáu 17.6, nhân dịp tham gia diễn đàn kinh tế ở St Petersburg. Khán phòng đã tràn ngập tiếng cười và vỗ tay sau khi Putin đưa ra bình luận đó.
Ông còn chỉ trích giới chức Pháp đã có hành động phân biệt đối xử, và cho rằng bất cứ kẻ gây rối đến từ quốc gia nào đều phải bị xử lý một cách bình đẳng: “Người hâm mộ Nga và Anh đánh nhau, đó là một sự sỉ nhục. Nhưng cách chúng ta xử lý những kẻ vi phạm phải giống nhau. Tất cả họ phải được đối xử bình đẳng”.
Các vụ bắt giữ CĐV Nga tại Pháp mới đây đã khiến Moscow không hài lòng, và Đại sứ Pháp đã được triệu tập để phản đối về thái độ kỳ thị đối với người Nga. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng “những hành động theo tâm lý chống Nga nếu còn tiếp tục sẽ có thể làm căng thẳng thêm bầu không khí trong quan hệ Nga – Pháp”.
Tổng thống Nga Putin cho rằng người Nga đang bị phân biệt đối xử.
Cả tuyển Nga và Anh đều bị UEFA cảnh cáo về khả năng loại khỏi Euro 2016, nếu các CĐV của họ tiếp tục đánh nhau và gây rối trật tự, sau những màn hỗn chiến trên đường phố cũng như trong sân vận động ở Marseille và Lille.
Tại quận Old Port của Marseille trước trận hai đội gặp nhau ở lượt đầu, người hâm mộ Anh và Nga đã đụng độ, ném chai thủy tinh và ghế vào nhau. Cảnh sát chống bạo động đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.
Trong sân Stade Vélodrome, một nhóm CĐV côn đồ Nga (ultra), những kẻ ngậm khiên cao su bảo vệ hàm răng và mang dùi cui, đã tấn công các CĐV của Anh sau tiếng còi kết thúc trận đấu, khiến họ phải kinh hãi bỏ chạy.
Hai ngày sau đó, những cảnh bạo lực giữa các CĐV quá khích tiếp diễn tại Lille. Đa số những người chứng kiến đều cho rằng Ultra Nga đã tấn công trước, khi CVĐ Anh rời khỏi một quán bar, dẫn tới những vụ đánh đấm sau đó tại gần nhà ga thành phố. Tình hình bạo lực chỉ dịu đi sau khi cảnh sát xuất hiện can thiệp bằng hơi cay. Hai CĐV người Nga và một người Anh đã bị bắt giữ.
Động thái mạnh tay đầu tiên của phía Pháp là họ trục xuất khoảng 50 CĐV Nga bị cho là có những hành vi côn đồ những ngày qua tại Lille và Marseille, trong đó nổi bật có Alexander Shprygin – người đứng đầu cực hữu khét tiếng của Hội CĐV Nga được thành lập năm 2007. Cùng lúc đó, ba CĐV quá khích khác của Nga bị bắt giữ vì cầm đầu các vụ đánh nhau trong ba ngày liên tiếp ở Marseille và Lille.
Cảnh các CĐV Nga lao sang khán đài, tấn công các khán giả Anh ở lượt trận đầu tiên của Euro 2016.
Theo tờ Sports Mail (Anh) và nhiều hãng truyền thông quốc tế, Shprygin là một trong những người bạn của Tổng thống Nga Putin.
Shprygin, 38 tuổi, đã di chuyển tới Pháp trong kỳ Euro 2016 cùng với phái đoàn của Liên đoàn bóng đá Nga. Người này bị cảnh sát Pháp giữ lại khi đang trên một xe buýt tới Lille hôm thứ ba 14.6.
Anh này bị giam giữ và chuyển giao cho một phòng giam, và sắp chính thức bị trục xuất khỏi Pháp. Shprygin gọi đó là “hành động xúc phạm kinh khủng”, và tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra tòa.
Fare Network, tổ chức giám sát phân biệt chủng tộc tại các sân vận động, đã xác định Shprygin là một nhân vật cầm đầu nhóm chuyên truyền bá quan điểm “phát xít mới”, và thực hiện công việc đó trong các trận bóng đá của Nga kể từ cuối những năm 1990.
Shprygin có bức hình chụp cùng với Putin tại tang lễ của một người hâm mộ bóng đá hồi năm 2010. Hội CĐV Nga (Russian Supporters Union) do anh này thành lập năm 2007 được cho là có sự hỗ trợ của Kremlin. Thực tế, kể từ sau khi đứng ra thành lập Hội CĐV, Shprygin có vẻ đã dần giảm bớt giọng điệu giang hồ của mình. Nhưng gần đây, anh này lại có những phát biểu gây phẫn nộ, khi tỏ ý phân biệt chủng tộc đối với chính thành phần cầu thủ được lựa chọn vào tuyển Nga.
Shprygin là người cầm hoa, đi phía sau Putin.
Một công tố viên của Pháp sau vụ CĐV gây loạn ở Marseille đã phải đánh giá rằng các kẻ quá khích người Nga “được đào tạo cực tốt” và “siêu bạo lực một cách có tổ chức”, “siêu dữ tợn”.
Nhưng một phát ngôn viên của phía Nga phản bác rằng các đồng nghiệp người Pháp không đủ khả năng kiểm soát ngay cả những “CĐV bóng đá bình thường” của Nga vì chỉ quen làm việc với các cuộc biểu tình của người đồng tính.
Tuyển Nga buộc phải thắng trận cuối vòng bảng, khi gặp xứ Wales ngày 20.6, nếu muốn không sớm bị loại khỏi Euro 2016. Tình hình an ninh trước và sau trận đấu này là mối lo ngại cho giới chức Pháp và những người hâm mộ bình thường.
Nguyễn Phát (VNExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.