Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 116 triệu USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu giảm do giá xuất khẩu tiêu đang giảm mạnh trước tình trạng cung vượt cầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước sản xuất hồ tiêu lớn khác. Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 chỉ khoảng 3.000-4.000 USD/tấn.
Giá hồ tiêu đã sụt giảm mức thấp kỷ lục trong ngày hôm qua (13/3), đồng loạt một số tỉnh tại Tây Nguyên đã về dưới ngưỡng 60.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ còn 57.000 đồng/kg. Ảnh: IT
Về giá tiêu trong nước, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho hay, đầu vụ 2018, giá hồ tiêu đạt mức thấp là 78.000 đồng/kg, thì đến ngày 13/3/2018, giá tiêu giảm xuống còn 60.000 đồng/kg, một số nơi giá còn giảm ở mức 57.000 đồng/kg và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm sâu nếu thiếu lực mua đầu cơ và dự trữ từ các doanh nghiệp.
Thông thường hàng năm đây là lúc thương lái, các nhà thu mua gom hàng tích trữ, thời điểm này nguồn hàng dồi dào, nông dân cũng muốn bán ra để trả nợ các chi phí trồng hồ tiêu trong cả vụ nên giá hồ tiêu còn ở mức thấp.
Sau khi thu gom hết hồ tiêu trong dân, thương lái sẽ bán sau khi đã qua mùa thu hoạch, lúc đó nguồn hàng hồ tiêu bắt đầu thiếu hụt, giá bắt đầu tăng cao. Đấy là quy luật thông thường nhiều năm trước.
Giá hồ tiêu muốn tăng trở lại, theo các chuyện gia, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần bắt tay nhau điều tiết lượng hồ tiêu xuất đi. Ảnh: IT
Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay mọi chuyện thay đổi chóng mặt, diện tích trồng lớn nguồn cung rất dồi dào, cung vượt cầu nên giá bắt đầu giảm. Thương lái không còn tâm lý tích trữ hàng chờ giá cao để bán.
Theo một chuyên gia của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, một trong những nguyên nhân nữa khiến nguồn cung hồ tiêu trở nên dồi dào bởi nước Campuchia cũng đã phát triển mạnh diện tích trồng hồ tiêu. Mấy năm qua họ tích trực phát triển trồng hồ tiêu dọc biên giới với Việt Nam, khu vực giáp với vùng Tây Nguyên, diện tích năm nay đã tăng 10.000 ha so với năm 2016, còn sản lượng năm nay tăng khoảng 30.000 tấn.
Mùa vụ thu hoạch hồ tiêu ở Campuchia cũng giống Việt Nam, nên áp lựt dư cung là rất lớn.
Theo vị chuyên gia này, năm nay thay vì tích trữ hồ tiêu, thương lái, các đại lý chuyển sang tích trữ cà phê, họ nhận định mùa vụ năm nay cà phê nhiều nước mất mùa nên đến cuối năm nguồn cung cà phê thế giới sẽ sụt giảm dẫn đến tình trạng khan hàng, chính vì thế thương lái bắt đầu chuyển sang tích trữ cà phê.
Bà Trần Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn dự báo, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, sản lượng hạt tiêu của các nước sản xuất hồ tiêu lớn khác như Ấn Độ, Brazil, Indonesia… cũng tăng, khiến cho nguồn cung trên thế giới tăng cao.
Vì thế, giá tiêu trong năm 2018 được dự báo vẫn ở mức thấp cho tới đến khi nào diện tích, sản lượng tiêu Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung giảm xuống.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá hồ tiêu sẽ còn giảm trong khoảng thời gian rất dài, bức tranh hồ tiêu trong vài năm tới sẽ rất ảm đạm, ngành hồ tiêu đang tiếp tục đối mặt với khó khăn rất lớn.
Để “cứu” ngành hồ tiêu, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần bắt tay nhau điều tiết lượng hồ tiêu xuất đi, đồng thời cùng nhau điều tiết mức giá nhằm tránh tình trạng giá hồ tiêu giảm không phanh như lúc này.
Việc các doanh nghiệp đồng lòng cùng nhau giải quyết điều tiết nguồn cung, điều tiết giá cả là hoàn toàn có cơ sở bởi trên thị trường hồ tiêu thế giới, hồ tiêu Việt Nam đang chiếm tỷ trọng rất cao, đến 62,5% lượng hồ tiêu toàn cầu. Nếu xét về mặt thị trường, nhờ nắm trong tay khối lượng hồ tiêu lớn đã tạo cho Việt Nam 3 lợi thế, đó là thị trường hồ tiêu rất ổn định; giá bán luôn có lợi hơn các nước khác; chiếm tỷ trọng lớn nên có sức ảnh hưởng trên thị trường thế giới.
Cũng theo vị chuyên gia của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Nhà nước khó có thể cam thiệp giải cứu cho ngành hồ tiêu, việc nhà nước đứng ra tích trữ, bảo quản, để bình ổn giá hồ tiêu là không khả thi trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang eo hẹp, hồ tiêu cũng không phải là ngành hàng có tác động lớn đến hàng triệu hộ nông dân như mặt hàng lúa gạo.
Chính bởi vậy sự chủ động của các doanh nghiệp là điều tiên quyết để cứu ngành hồ tiêu thoát khỏi tình cảnh khó khăn như lúc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.