Chất lượng nổi trội
Gắn bó với cây hồng trên đất D’ran từ nhỏ, chị Lê Thị Yến Vinh (huyện Đơn Dương) biết rất rõ các giống hồng được trồng trong thị trấn này. Từng có nhiều năm thu mua hồng tươi, chị thấy rằng cùng một giống hồng nhưng đem so sánh chất lượng với nơi khác thì hồng trên đất D’ran vượt trội hơn hẳn về màu sắc, quả hồng đỏ hơn, cho vị ngọt hơn.
Anh Lê Trần Phúc Cương (thị trấn Dran) chống những cành hồng để tránh gãy đổ, năng suất cùng giá cao giúp người dân có thu nhập cao từ quả hồng.
Sau hai năm sản xuất hồng sấy bằng phương pháp thủ công, vợ chồng chị Vinh nhận thấy sấy hồng bằng than quá vất vả, nhân công đứng lò phải hít trực tiếp khí than đá, than củi. Ý thức về sự độc hại từ hồng sấy than cho cả người tiêu dùng và người làm, sản phẩm bán thô không có nhãn mác khiến lợi nhuận không cao… Năm 2016, anh chị đã quyết định đầu tư máy móc vào chế biến và xây dựng thương hiệu cho hồng sấy ở D’ran.
Theo chị Vinh, sấy máy giúp cho hồng giữ được mùi và vị ngọt tự nhiên, không lẫn mùi than xông. Nhiệt độ trong lò duy trì ở mức 60 độ C là vừa đủ. Trái hồng tươi gọt tới đâu sẽ được cho vào sấy ngay mới có thể giữ được hương vị. 1kg hồng sấy được chế biến từ 6 kg hồng nguyên liệu chuẩn theo nguyên tắc “tách nước, giữ mật”.
Hiện ở thị trấn D’ran có khoảng 999 ha trồng cây hồng ăn trái. Nhờ lợi thế từ khí hậu, thổ nhưỡng mà cây hồng ở D’ran sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và hương vị đặc trưng. Đây chính là nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định, dồi dào cho những cơ sở chế biến hồng sấy lại huyện Đơn Dương. Mỗi mùa hồng, riêng xưởng chế biến của chị Vinh đã tiêu thụ vài chục tấn hồng tươi các loại tại D’ran.
Được chọn là cơ sở chế biến với sản phẩm đại diện cho “hồng sấy D’ran” tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh, hiện công ty của chị Vinh đã bước đầu xây dựng hồ sơ tham dự với thương hiệu “Gieo, nông phẩm miền đất hứa”. Chị cho biết, vì chương trình còn khá mới mẻ nên đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương thường xuyên hỏi thăm và hướng dẫn công ty chị hoàn thành hồ sơ chấm điểm theo bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng OCOP cấp huyện.
Nhiều lợi thế sau OCOP
Cùng với bánh tráng Lạc Lâm, hồng sấy D’ran của huyện Đơn Dương nằm trong danh mục 20 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020.
Trong tháng 9/2019, UBND huyện Đơn Dương đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và kế hoạch tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2019 trên địa bàn huyện.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Đơn Dương đã tiếp nhận 3 bộ hồ sơ tham gia đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP cấp huyện. Hiện, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp hướng dẫn cho chuyên viên phụ trách việc thành lập hồ sơ, giúp cho các đơn vị có sản phẩm đăng kí tham gia chương trình hoàn tất các thủ tục liên quan, đảm bảo tiêu chí đánh giá OCOP cấp tỉnh.
Đánh giá về chất lượng hồ sơ sản phẩm OCOP hồng sấy dẻo tham gia chấm điểm tại huyện Đơn Dương, ông Roda Búp – Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Hồng sấy D’ran của huyện Đơn Dương cơ bản về mặt quy chuẩn đã đảm bảo, theo sơ bộ đánh giá đạt 61/100 điểm, có nhiều tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP trong năm nay. Tuy nhiên cần phải khắc phục một số điểm như câu chuyện sản phẩm, thương hiệu, bao bì…để hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy suất nguồn gốc”
Từ việc tham gia và nhận chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh sẽ giúp cho hồng sấy D’ran có nhiều lợi thế hơn trong việc đăng kí bảo hộ thương hiệu, chứng nhận truy suất nguồn gốc, mở rộng thị trường…từ đó đem lại giá trị cao hơn cho quả hồng ở Đơn Dương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.