Phát biểu tại Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vượt qua nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu", Thủ đô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Điều này được khẳng định qua báo cáo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng như kết quả khảo sát của người dân và doanh nghiệp (DN) đã cho thấy rõ điều này.
Nhiều tiềm năng cần được khai thác
Theo Chủ tịch VCCI, số lượng các dự án trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội đang tăng nhanh, các DN được thành lập mới ngày càng nhiều. Hiện nay ở nước ta, cứ trong 5 DN được thành lập thì có 1 DN được thành lập và có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Hà Nội.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tham luận tại hội nghị.
Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI có chuyển biến tích cực, Hà Nội từ nhóm "khoá đuôi" đã góp mặt trong nhóm 13 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Chỉ số ứng dụng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ hỗ trợ DN... của Thủ đô cũng đứng đầu cả nước.
Lãnh đạo Hà Nội đã sát cánh cùng các nhà đầu tư giải quyết từng vụ việc cụ thể, đưa từng dự án vào sản xuất, kinh doanh. Đây là động thái tích cực, hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Cộng đồng DN đánh giá cao các chương trình xúc tiến thương mại của TP với các địa phương trong cả nước về cung ứng sản phẩm của Hà Nội cho các địa phương và cung ứng nông sản của các địa phương cho Hà Nội.
Ông Lộc cho rằng, hiện nay Quốc hội đang có kế hoạch phát triển đặc khu kinh tế, tuy nhiên Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ vẫn là cái nôi của cả nước, Hà Nội hoàn toàn có khả năng trở thành khu vực đạt được nhiều đột phá, với việc sở hữu nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, từ đó tham mưu cho Hà Nội trở thành nơi đột phá và đổi mới sáng tạo trong cải cách thể chế và khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, trở thành TP đáng sống, nơi đặt đại bản doanh của các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng, Thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều điều phải thực hiện để phát triển môi trường đầu tư.
“10 năm trước, Đảng và Nhà nước có quyết định lịch sử, mở rộng địa giới hành chính, mở ra giai đoạn phát triển mới của Thủ đô, giúp Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại hàng đầu,… Tiềm năng du lịch của Hà Nội rất quan trọng nên tập trung vào tiềm năng phát triển du lịch, ẩm thực, đồng thời liên kết với các tỉnh miền Bắc và các tỉnh trên toàn quốc. Vậy Hà Nội hãy hãy trở thành "bếp ăn" của thế giới" với định hướng phát triển mạnh mẽ về du lịch. Việt Nam là một trong 18 quốc gia có tiềm năng phát triển về du lịch. Hà Nội lại là một trong 10 địa phương có tăng trưởng tốt nhất cả nước về du lịch nên đây sẽ là tiềm năng lớn, là lợi thế cho Hà Nội" - ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Toàn cảnh Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội năm 2018
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho rằng, thời gian tới, Hà Nội có thể trở thành một đại bản doanh cho các DN quốc tế trong thời gian tới. Điển hình, như việc Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Hàn Quốc (Kotra) quyết định chuyển trụ sở từ Singapore tới Hà Nội. Nếu Hà Nội muốn trở thành đại bản doanh cho các DN quốc tế, cần có những cải thiện tích cực về chính sách cũng như cải thiện nguồn nhân lực.
Ngoài ra, làn sóng đầu tư hướng Nam, các DN Nhật Bản, Hàn Quốc... đang tích cực dịch chuyển nguồn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và Hà Nội sẽ nằm trên tuyến đường đó, do vậy Thủ đô nên tận dụng cơ hội này để mở rộng nguồn đầu tư nước ngoài.
Hà Nội cần giải quyết tình trạng lao động di cư
Tham luận tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra những thách thức mà Hà Nội đang phải đối mặt, trong đó việc lao động di cư dịch chuyển gây áp lực và quá tải về hạ tầng giao thông và đô thị...
Hà Nội là hạt nhân của vùng giữ vai trò là cửa ngõ trao đổi hàng hóa với thế giới. Tuy nhiên các hoạt động liên kết với các địa phương còn chưa thực sự hiệu quả, còn bị chia cắt bởi địa giới hành chính, DN chưa tham gia sâu vào chuỗi liên kết.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tham luận tại hội nghị
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Hà Nội cần chủ động phối hợp địa phương trong vùng phát triển đồng bộ các ngành hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và tăng cường kết nối các địa phương; cần tiếp tục đi đầu trong đổi mới KH-CN, tranh thủ cơ hội từ CM 4.0. để phát triển đô thị; tăng cường liên kết mạng lưới đô thị, là trung tâm đồng thời phát triển đô thị vệ tinh thông minh và hài hòa về việc làm giao thông; các vấn đề di cư, dịch chuyển từ nông thôn, đô thị, cần phối hợp các khu vực lân cận xây dựng khu vực sản xuất lớn nầm ngoài vành đai phát triển đô thị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết cùng các bộ, ngành khác sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Hà Nội và các địa phương trong vùng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh đưa Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là thành phố xanh, sạch, đẹp, hiện đại văn minh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.