Hai ngày 6.8 và 7.8.2018 có thể coi là những ngày đáng nhớ trong lịch sử giao dịch ngoại hối khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.676 VND/USD. Đây là mức cao nhất kể từ khi tỷ giá trung tâm ra đời. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN là 22.700 đồng (mua) và 23.306 đồng (bán).
Trước đó, theo thông tin do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cung cấp tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.2018 diễn ra vào tối 1.8, tỷ giá trung tâm của Việt Nam tăng 1,1% so với thời điểm cuối năm 2017. Với biên độ dao động cho phép là 3%, tỷ giá liên ngân hàng tính tới ngày 1.8 đã tăng 2,5% so với cuối năm 2017.
Rủi ro tiềm ẩn với Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Xung quanh những thông tin nêu trên là tình trạng nhiều nhà đầu tư, người dân lo ngại tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm 2018 sẽ tiếp tục gia tăng do chịu ảnh hưởng từ chiến thương mại Mỹ-Trung, gây áp lực lên lạm phát, giữ VND sẽ không còn có lãi.
Trong một buổi trao đổi mới, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết sau những tháng đầu năm âm ỉ, cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc nổ ra hồi đầu tháng 7, khi Mỹ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 818 dòng sản phẩm bị áp thêm thuế mới chỉ là đợt 1 của cuộc chiến thương mại.
Đợt 2 sẽ mở rộng danh mục lên hàng hóa với tổng giá trị 50 tỷ USD. Không dừng ở đó, chính quyền Mỹ còn đe dọa sẽ áp thêm thuế suất 10% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, đưa tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt lên đến 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ quốc gia này vào Mỹ.
Biểu đồ giá trị của đồng Nhân Dân Tệ trước và sau khi chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Từ đây, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định, những quan ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã dẫn tới sự tháo chạy trên thị trường ngoại hối khỏi đồng Nhân Dân Tệ (NDT), khiến đồng tiền này mất giá.
Tiếp đó, tăng trưởng GDP quý II.2018 của Trung Quốc giảm còn 6,7%. Đồng thời theo dự báo, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục giữ mức tăng trưởng trong khoảng từ 6,6-6,8% trong hai quý còn lại, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, làm đồng NDT mất giá.
Về mặt điều hành chính sách, NHNN vẫn muốn ổn định tỷ giá giữa VND với USD. Nhưng việc NDT xuống giá so với USD có nghĩa là VND lên giá so với NDT. Sức ép lên tỷ giá giữa VND và USD là từ đó.
“Trong bối cảnh đồng NDT đã mất giá tới hơn 8%, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn không có động thái can thiệp. Theo giới chuyên gia, dường như đây là tín hiệu Trung Quốc gửi tới Mỹ để cảnh báo rằng, nếu Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt khiến đồng NDT xuống giá, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ không chịu tác động nhiều của trừng phạt thương mại.
Theo quan điểm của tôi, đó là nguyên nhân chính yếu hiện nay tạo áp lực xuống giá lên các đồng tiền châu Á ở các quốc gia khác có quan hệ thương mại lớn với cả Mỹ và Trung Quốc, trong đó có VND”, ông Thành nói.
Tỷ trọng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị đe dọa áp thuế trừng phạt vào tháng 9
Với tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể bị áp thuế trừng phạt lên tới 250 tỷ USD, bằng 50% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, tác động sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Thành phân tích: “Theo công bố của phía Hoa Kỳ, số dòng sản phẩm trị giá 200 tỷ USD chịu thuế thêm 10% lên tới gần 5.900. Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là máy móc thiết bị điện, điện tử (24,6%), máy móc thiết bị cơ khí (19,7%). Nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng có trong danh sách như nội thất (16,7%), hóa chất (5,1%), nhựa, cao su (5%) và nông sản, thủy sản (2,7%). Tác động khi đó sẽ là rất đáng kể. Những mặt hàng đó nếu không thể nhập khẩu vào Mỹ có thể sẽ sang Việt Nam.
Nếu cố định tỷ giá VND, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ khó khăn, còn hàng Trung Quốc sẽ dễ dàng tràn vào Việt Nam. Bởi chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang khiến đồng NDT có thể sẽ tiếp tục mất giá thêm nữa. Hàng Trung Quốc đã rẻ sẽ còn rẻ hơn, hàng Việt sẽ đắt hơn và không cạnh tranh nổi.
Nhưng nếu điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động tới lạm phát. Tiếp đó là kỳ vọng thị trường, chúng ta đã cam kết ổn định tỷ giá trong biên độ dao động 3%, nhưng trên thị trường tự do tỷ giá đã tăng 2% rồi. Nhiều gia đình gửi USD với lãi suất 0% đã chuyển sang gửi tiết kiệm VND”.
Kết lại, ông Thành dự báo, VND sẽ xuống giá so với USD, nhưng mức độ xuống giá sẽ thấp hơn đáng kể so với việc đồng NDT xuống giá so với USD.
Gửi tiết kiệm VND có lãi?
Về câu hỏi: “Trong bối cảnh VND xuống giá so với USD và áp lực từ lạm phát. Với lãi suất tiền gửi VND tại các NHTM cao nhất là 7,2%/năm, lãi suất tiền gửi liệu có âm?”.
Ông Nguyễn Xuân Thành: "Kỳ vọng lạm phát hiện nay là 4%, ngân hàng phải bảo đảm lãi suất tiền gửi của mình, ngay cả với kỳ hạn 1 năm phải trên mức đó"
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trên thị trường tự do, VND mất giá 2% so với USD, tỷ giá trung tâm điều chỉnh là 1%. Trong quan điểm về chính sách lãi suất tiền gửi và điều hành, một yếu tố quan trọng về mặt kỳ vọng là tạo lãi suất tiền gửi dương, ít nhất không âm. Điều này tạo niềm tin cho người gửi tiền nội tệ trong hệ thống ngân hàng, đồng thời bảo đảm hệ thống tài chính phát triển theo chiều sâu.
“Nếu lãi suất tiền gửi âm sẽ có lợi cho tổ chức tín dụng, nhưng về dài hạn sẽ làm xói mòn niềm tin của người gửi tiền. Kỳ vọng lạm phát hiện nay là 4%, ngân hàng phải bảo đảm lãi suất tiền gửi của mình, ngay cả với kỳ hạn 1 năm phải trên mức đó”, ông Thành nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.