Ngư dân “tố” bị ngân hàng lừa?
Thời gian qua, ông Trần Văn Hạo (trú phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định)- chủ tàu cá vỏ thép BĐ-99029 TS đã đâm đơn “cầu cứu” khắp nơi để đòi lại sổ đỏ đang bị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tạm giữ.
Theo ông Hạo, ngày 23.3.2015, ông ký hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép công suất 940 CV, trị giá hơn 18,7 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở tại Hải Phòng).
Tháng 28.8.2015, ông Hạo ký hợp đồng tín dụng với Vietcombank- Chi nhánh Quy Nhơn vay 17,7 tỉ đồng (tương ứng 94% giá trị con tàu). Sau khi ký hợp đồng, theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, ông Hạo nộp tiền đối ứng 6% (hơn 1 tỷ đồng) và giao sổ đỏ để ngân hàng giữ “làm tin”.
Tàu vỏ thép BĐ-99029 TS của ngư dân Trần Văn Hạo được đưa đi sửa chữa hư hỏng. Ảnh: NVCC.
Vợ ông Hạo, bà Nguyễn Thị Thúy Hoan cho biết: “Lúc ký hợp đồng tín dụng, nhân viên ngân hàng tự viết giấy tự nguyện thế chấp sổ đỏ và hướng dẫn tôi ký. Dù thắc mắc nhưng tôi vẫn ký đồng ý vì nghĩ đơn giản thuế chấp sổ đỏ để “làm tin”, đóng tàu xong thì sẽ lấy lại. Cũng theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, tôi phải nộp gần 10 triệu đồng chi phí để hoàn thành việc công chứng sổ đỏ. Năm 2016, sau khi tàu đóng xong tôi đưa đầy đủ hồ sơ thuế chấp con tàu cho ngân hàng và đòi lại sổ đỏ nhưng họ nhất quyết không trả?”.
Theo bà Hoan, từ khi hạ thủy tàu BĐ 99029 TS chỉ ra khơi được 6 chuyến biển nhưng thua lỗ gần nửa tỷ đồng vì hư hỏng.
“Tôi đồng tình nộp tiền đối ứng 6%, trong khi đó các ngân hàng khác chỉ 5% nhưng không hiểu sao ngân hàng lại giữ sổ đỏ của gia đình tôi.Theo quy định, tôi không phải thuế chấp tài sản khác ngoài thuế chấp con tàu hình thành từ vốn vay. Vậy, lý do gì ngân hàng cố ý “lừa” dân, hướng dẫn để chúng tôi nộp sổ đỏ, ký hợp đồng thuế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và đưa thêm quy định về tài sản đảm bảo trong hợp đồng tín dụng. Phải chăng đây là “thủ thuật”, “luật riêng” do ngân hàng tự tạo để gài bẫy, gây khó dễ cho ngư dân”- ông Hạo bức xúc.
Gia đình ngư dân Trương Hoài Khánh- Chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99279 TS, cũng rơi vào tình cảnh “mếu máo” như ông Hạo. Con tàu vỏ thép công suất 940 CV, trị giá 18,7 tỷ đồng đóng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu thường xuyên bị hư hỏng. Gia đình ông nộp 6% tiền đối ứng trong số vốn vay 17,7 tỉ đồng và sổ đỏ cũng đã bị ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giữ “làm tin”.
“Trước khi vay đóng tàu 67, sổ đỏ của gia đình tôi đang thuế chấp cùng món nợ 300 triệu đồng. Tôi phải chạy vạy vay mượn trả hết khoảng nợ trên rồi nhân viên ngân hàng lên nhà bảo thuế chấp sổ đỏ để tạo niềm tin vay vốn đóng tàu 67. Họ tự mang đi công chứng, tôi nghĩ đóng tàu xong, ngân hàng sẽ trả lại sổ đỏ để ngư dân vay vốn làm ăn nhưng thực tế không phải vậy”- chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (vợ anh Khánh) cho biết.
Không đúng quy định
Ngày 11.4, đại diện Vietcombank đã có công văn phúc đáp: Việc ngân hàng cấp tín dụng theo hợp đồng (ngày 28.8.2015) đối với ông Trần Văn Hạo và nhận 2 tài sản đảm bảo là tàu cá hình thành từ vốn vay và giá trị quyền sử dụng đất (sổ đỏ-PV) tọa lạc tại số 88 Lê Thanh Nghị (TP Quy Nhơn), đều tuân thủ theo quy định của pháp luật và chính sách của ngân hàng đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67 và được áp dụng chung thống nhất tại ngân hàng này.
Ngư dân Trần Văn Hạo- chủ tàu cá vỏ thép BĐ-99029 TS đã đâm đơn “cầu cứu” đòi lại sổ đỏ đang bị ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giữ. Ảnh: Dũ Tuấn.
Trong khi đó, trước phản ánh của ông Hạo, ông Khánh tại buổi làm việc với các bên tham gia Nghị định 67/CP (ngày 10.5), ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định việc giữ sổ đỏ của ngư dân là không đúng quy định.
“Toàn tỉnh có mấy chục tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67/CP nhưng không ai bị giữ sổ đỏ như vậy. Việc này, họp nhiều lần tôi yêu cầu ngân hàng không đòi hỏi giữ sổ đỏ. Đời nào, họ tự nguyện đi thuế chấp sổ đỏ, tôi đề nghị ngân hàng trả lại cho ngư dân”- ông Châu cho hay.
Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Tấn Ngọc- Phó Giám đốc Vietcombank tại Bình Định, ông Ngọc thừa nhận nắm rất rõ vụ việc nhưng từ chối trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên đưa ra vì chưa báo cáo lãnh đạo?.
Ngày 30.5, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị UBND TP.Quy Nhơn vào cuộc làm rõ việc trên. Từ đó, sẽ báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản thông báo cho Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét vụ việc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.