Quy mô chăn nuôi tăng
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong hơn 10 năm qua (2008 - 2018), Cục đã triển khai có hiệu quả việc tinh giản, áp dụng phương thức điện tử, trực tuyến vào thực hiện thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho các tổ chức, cá nhân, từ đó thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ.
Cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi phát triển. Ảnh: tư liệu
Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành chăn nuôi gia cầm khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được chính ngạch thịt gà chế biến và quan trọng là xuất khẩu được sang Nhật Bản. Mới đây nhất, ngày 22/10/2019, Bộ NNPTNT tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô sữa tươi đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành này. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NNPTNT về việc rà soát thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong chăn nuôi theo hướng đơn giản hóa, bãi bỏ thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết, từ tháng 10/2015, ngành chăn nuôi đã thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia đối với nhóm 3 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Đến tháng 2/2017, ngành đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với nhóm 3 thủ tục đăng ký thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước và hoàn thành thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với nhóm 3 thủ tục thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào tháng 7/2019.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã góp phần giúp ngành chăn nuôi thực hiện tốt chiến lược phát triển ngành chăn nuôi trong 10 năm qua, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2018, sản lượng thịt các loại tăng trên 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262.200 tấn lên 936.700 tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).
Quy mô chăn nuôi đã chuyển từ nông hộ sang trang trại. Năm 2018, cả nước chỉ còn khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 4,5 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, trong khi số lượng trang trại tăng lên là 19.639, chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng. Ngành chăn nuôi còn thu hút khối lượng lớn nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục cải cách
Đứng trước áp lực hội nhập, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính triệt để và áp dụng công nghệ thông tin. Sản phẩm chăn nuôi phải hướng đến xuất khẩu, vì nhu cầu trong nước đã đáp ứng đủ. Do vậy, phải thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Ông Dương cho biết, Quốc hội thông qua Luật Chăn nuôi trong đó quy định việc quản lý theo chuỗi, từ khâu giống đầu vào tới khâu thị trường, tổ chức theo các chuỗi liên kết, phát huy vai trò của hợp tác xã để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.
Theo đánh giá, so với các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi đã được ban hành, Luật Chăn nuôi đã có những thay đổi cơ bản về phương thức quản lý theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động về lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi… Do đó, các hành vi được xác định là hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi có sự thay đổi, cần thiết phải có quy định mới phù hợp với luật.
Ông Dương cho biết, để thực hiện nghiêm Luật Chăn nuôi, các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính về giống vật nuôi, về thức ăn chăn nuôi, về điều kiện chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, về nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi... cũng phải được quy định theo hướng đảm bảo tính răn đe.
Theo đó, Bộ NNPTNT đề xuất mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.
"Bên cạnh việc quy định rõ các hành vi vi phạm, mức xử phạt, để tạo không gian cho doanh nghiệp, người chăn nuôi phát triển sản xuất, cải cách hành chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, áp dụng công nghệ thông tin trong kê khai chăn nuôi để minh bạch, hiệu quả trong quản lý, từ đó có những kế hoạch, giải pháp thực hiện cho phù hợp với từng giai đoạn” - ông Dương nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hội nhập là cả một quá trình cần có thời gian để có sự tương đồng. Thực tế, việc áp dụng hồ sơ giấy thì có thể biết được ngay đây là giấy tờ thật hay giả, còn bản điện tử thì khó phân biệt ngay. Do vậy, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, đánh giá sự thừa nhận lẫn nhau và tránh kiểm tra hai lần để tiết kiệm chi phí, hạn chế bất cập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.