Hỗ trợ kỹ thuật, hướng nghiệp tốt, nông dân dễ tăng thu nhập

Phùng Bảy (Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa) Thứ ba, ngày 18/02/2020 05:00 AM (GMT+7)
Trong những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân (ND) tỉnh Khánh Hòa đã tích cực đổi mới hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao công tác dạy nghề và đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân

Các ngành nghề đào tạo được Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm) tập trung triển khai là kỹ thuật thú y, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, trồng cây lương thực thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, trồng hoa và chăm sóc cây cảnh… Nhờ những kiến thức đã học, nông dân trong tỉnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

img

Được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ mua phân bón trả chậm, nhiều nông dân trồng cây ăn quả ở huyện Khánh Vĩnh vươn lên khấm khá.  Ảnh: Công Tâm 

Đối với công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã mở 16 lớp đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho 498 học viên, xây dựng mô hình thực hành ngay trong lớp học, sau khóa học nông dân đã tự tạo việc làm bằng cách mở rộng hoặc làm mới mô hình đã học.

Trong năm 2019, Trung tâm đã trực tiếp mở 14 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật vỗ béo bò, 18 lớp tuyên truyền tư vấn đào tạo nghề và việc làm, đã xây dựng thành công 3 mô hình vỗ béo bò tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh.

Từ chỗ chưa có phương pháp hiệu quả, nay nông dân chăn nuôi bò đã tự thực hành vỗ béo bò cho đàn bò gia đình nhà mình, tiêu biểu có gia đình chị Võ Thị Kim Huệ (ở thôn Lạc An, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) và gia đình anh Trần Trung Hiếu (Tân Kiều, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa). Sau thời gian triển khai mô hình, gia đình chị Huệ và anh Hiếu tiếp tục áp dụng kiến thức mới, trung bình mỗi tháng lên được 27kg/con giống bò cỏ, 42kg/con giống bò lai. Ngoài ra, 2 mô hình trồng lúa tại Diên Khánh đạt hiệu quả cao với ứng dụng phân bón NPK Sao Việt, cho thu hoạch 6 tấn/ha.

Đối với công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã mở 16 lớp đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho 498 học viên, xây dựng mô hình thực hành ngay trong lớp học, sau khóa học nông dân đã tự tạo việc làm bằng cách mở rộng hoặc làm mới mô hình đã học.

Điển hình là anh Tô Văn Tài - học viên của lớp nghề trồng nấm tại xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh), sau khi kết thúc lớp nghề, anh đã đầu tư nhà trồng nấm sức chứa trên 3.000 phôi, cho thu hoạch mỗi đợt đạt 100 kg, thu hoạch 2 lần/tháng, giá trung bình 40.000 đồng/kg. Anh Tài cho biết, nếu không có lớp đào tạo nghề trồng nấm do Hội tổ chức, anh cũng chưa mạnh dạn đầu tư làm nhà trồng nấm như vậy.

Nâng cao năng lực tham mưu

Trung tâm đã tham mưu Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Khánh Hòa tổ chức thành công “Phiên chợ nông sản” tỉnh Khánh Hòa lần thứ 3 - năm 2019 nhằm giúp nông dân có điều kiện tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, đồng thời giúp nông dân kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Phiên chợ tổ chức có 99 gian hàng tham gia với tổng doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng.

Nhằm đẩy mạnh và đổi mới hơn nữa công tác hỗ trợ nông dân, Trung tâm đã phối hợp với Công ty CP Phát triển nông nghiệp Quảng Nam triển khai chương trình hỗ trợ mua phân bón trả chậm, kết quả đã giao trên 250 tấn phân NPK Sao Việt trong năm 2019. Qua 2 năm triển khai, dòng phân bón đã được nông dân đánh giá cao đặc biệt thích hợp đối với cây lúa, cho cây phát triển nhanh, năng suất ổn định, ít sâu bệnh.

Ngoài ra, Trung tâm đã tìm giải pháp tiếp cận doanh nghiệp để đưa các sản phẩm của nông dân vào hệ thống các siêu thị, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hoàng Nam Phát ký kết mua nông sản của cơ sở chế biến nông sản An Hòa tại Khánh Sơn, các sản phẩm như: Chuối ép dẻo, dấm chuối, hạt đậu đỏ, tiêu sẻ… đã được bán tại chuỗi hệ thống siêu thị bán lẻ tại Hà Nội, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã làm việc với một doanh nghiệp ở Nhật Bản để tiến hành khảo sát tại một số địa điểm có thể trồng giống bầu Nhật Bản. Trong năm tới nếu đáp ứng được các điều kiện về sản lượng, chất lượng, quy trình canh tác, doanh nghiệp này sẽ ký kết chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm bầu của nông dân.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Hội ND tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, vận động, hỗ trợ và đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề giúp nông dân có kiến thức, trình độ, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem