Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo Hội Nông dân phường Vĩnh Quang, trong số 43 hộ dân có lợn mắc bệnh thì gần 50% hộ chủ động chuyển đổi sang vật nuôi khác, như nuôi lươn, cá điêu hồng, gà, vịt, trồng rau màu. Hội Nông dân phường đang hoàn tất thủ tục để các hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vào cây, con khác trong lúc chưa có chủ trương tái đàn lợn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tuấn (ngụ khu phố Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang), cho biết sau khi đàn lợn nhiễm dịch bệnh phải tiêu hủy vào cuối tháng 8/2019, ông tận dụng chuồng trại nuôi 100 con vịt, 200 con gà nòi chân vàng, có thể xuất bán ở thị trường Tết.
Nhiều gia đình nuôi gà, vịt trên chuồng trại nuôi lợn trước đây. Ảnh: NQ.
“Phía trước nhà, tôi xây 3 bể xi măng thả nuôi cá điêu hồng và lươn thương phẩm. Để tiết kiệm chi phí, hàng ngày tôi chở đồ ăn thừa về làm thức ăn cho gà, vịt. Phần thịt, cá thì cắt nhỏ nuôi cá và lươn. Ở đây là thành phố nên đầu ra của gà, vịt, lươn, cá cũng dễ, không có nhiều khó khăn” - ông Tuấn chia sẻ.
Tại nhiều địa phương khác ở huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, nhiều nông dân tranh thủ cơ hội thiếu hụt nguồn thịt lợn do dịch bệnh gây ra, đã chủ động mở rộng quy mô chăn nuôi cá lóc, gà, vịt thương phẩm cung ứng cho thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Hùng Tín chăm sóc đàn vịt của gia đình. Ảnh: N.Q.
Sau khi tiêu hủy hơn 14 tấn lợn bị dịch tả lợn Châu Phi, ông Lê Hùng Tín (ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp) chuyển đổi sang nuôi gần 300 con vịt siêu nạc, gần trăm con gà trên diện tích chuồng nuôi lợn trước đây.
“Nhờ chú trọng phòng, chống dịch bệnh nên gà, vịt hao hụt ít và bắt đầu cho thu nhập. Ngoài ra, tôi còn nuôi 10.000 con cá lóc, 5.000 con cá thác lác cườm trong vèo ở một phần ao đang nuôi cá tra, nhằm đảm bảo thu nhập khi chưa thể tái đàn lợn” - ông Tín cho hay.
Tại khu phố Kinh B, thị trấn Tân Hiệp, hộ ông Lê Minh Sơn chuyển sang nuôi ba ba và cá chạch lấu trên một phần trang trại bỏ trống sau khi đàn lợn hơn 400 con bị dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy. Từ số tiền được huyện hỗ trợ tiêu hủy lợn, ông đầu tư 150 triệu đồng nuôi lươn, ba ba và cá chạch lấu.
Ông Tín thả nuôi thêm cá. Ảnh: NQ.
Khó khăn hiện nay là do chưa nắm vững kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm nên việc chuyển đổi mô hình sản xuất của nông dân còn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn luôn tìm tòi học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần trong sản xuất.
Bà Phan Kim Loan - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp, cho biết, để hỗ trợ bà con chuyển đổi, ngành nông nghiệp huyện chuẩn bị triển khai mô hình nuôi cá chạch lấu cho các hộ có lợn bị dịch tả lợn Châu Phi tiêu hủy.
“Mô hình này được thực hiện theo hình thức doanh nghiệp đầu tư giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và thu mua sản phẩm cho nông dân. Ngành chức năng cũng đề nghị hộ dân chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang các cây, con khác liên hệ tổ kinh kỹ thuật cơ sở, Trạm Khuyến nông hoặc Phòng NNPTNT huyện để được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất” - bà Loan thông tin.
Từ nay đến cuối năm, dịch tả lợn Châu Phi được dự báo còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt; do đó, khả năng khôi phục đàn lợn trong tỉnh thấp. Để đảm bảo tăng trưởng, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tăng sản lượng các nhóm trong ngành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.