Lào Cai: Theo dân ra suối làng Chiềng đãi cát tìm vàng cám

Thứ bảy, ngày 12/01/2019 06:45 AM (GMT+7)
Với địa hình nhiều sông, suối, nên trước đây, khu vực phía Nam thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai được ví như “thiên đường” của những người đãi vàng. Tuy nhiên, khi các khu đô thị mọc lên và công tác quản lý của chính quyền được tăng cường nên hoạt động khai thác vàng tự do không còn. Mấy tháng trở lại đây, một số người dân vẫn tranh thủ những lúc nông nhàn ra suối làng Chiềng (phường Bình Minh) đãi cát tìm vàng.
Bình luận 0

Nghề may rủi

Cách đây 30 - 40 năm, người dân làng Chiềng, xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) nghèo lắm, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn thiếu ăn, chứ chưa nói gì đến thoát nghèo, làm giàu. Chính cái nghèo, cái đói đã khiến cánh thanh niên, con trai khỏe mạnh trong làng đi khắp nơi để làm thuê kiếm sống, nhưng trong số đó cũng có những người ở nhà kiếm củi trên rừng hoặc ra bờ sông, ven suối đãi cát tìm vàng.

img

Đãi sạch đất, đá, cát để tìm vàng cám.

Ông Lương Văn Thanh, phường Bình Minh năm nay gần 60 tuổi nhưng đã có 30 năm kinh nghiệm đãi vàng thủ công. Trước kia vàng còn nhiều, những hôm gặp may, ông đãi được khoảng 1 phân vàng (10 phân vàng bằng 1 chỉ). Tuy nhiên, vàng này sau khi được ông Thanh sơ chế chỉ là vàng tuổi 6, vàng 7 (60% - 70% là vàng, còn lại tạp chất).

Ông Thanh tâm sự: “Không có việc gì làm nên đàn ông, con trai khỏe mạnh ngày ngày kéo nhau ra sông, suối đào đãi vàng. Tất cả đều làm theo phương pháp thủ công nên rất vất vả, mà lượng vàng thu được không đáng là bao, hôm nào may mắn thì kiếm được chục cân gạo thường, các con cũng được bữa no. Tuy nhiên, những lần như thế này không nhiều, đa phần chỉ được vài hạt cám, phải chục lần gom lại mới được một phân vàng”.

Đãi vàng theo kiểu thủ công của ông Thanh và nhiều người dân làng Chiềng từ trước đến nay vẫn thế. Để đi đào đãi vàng, những người như ông Thanh chỉ cần một cái xẻng, một cái bưởng gỗ và một lọ pê-ni-xi-lin để đựng vàng cám. Khi đi ven bờ sông, suối, ông Thanh có thể dự đoán đúng đến trên 90% khu vực nào có vàng, tuy nhiên trữ lượng nhiều hay ít thì rất khó.

“Khi thấy khu vực có vỉa vàng, chúng tôi chỉ cần xúc đất, cát, sỏi… đổ vào bưởng rồi đem ra suối đãi, bỏ hết đất, cát, sỏi đi và giữ lại phần cắn đáy bưởng. Khi đó, những vảy vàng sẽ trơ ra, lấp lánh trong ánh nắng rất đẹp, nhìn phát hiện ra ngay, chúng tôi lấy thanh sắt nhỏ như que tăm được tán mỏng một đầu, rồi xúc vảy vàng bỏ vào lọ thủy tinh” - ông Thanh tâm sự thêm.

Công việc cứ lặp đi lặp lại, ngày mưa cũng như nắng. Tuy nhiên, không phải lần nào, ngày nào đi đãi vàng cũng gặp may, mà số lần đãi đất tìm được vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đãi vàng cám giờ ít người mặn mà

Trước đây, dòng suối làng Chiềng chảy qua địa phận phường Bình Minh không chỉ nhiều tôm, cá mà còn chứa đựng nhiều khoáng sản, trong đó có vàng. Gần đây, dòng suối làng Chiềng được khơi thông và xây kè 2 bên bờ, đất, đá dưới lòng suối được xới lên, trong đó lẫn vàng sa khoáng, một vài người dân biết nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mang bưởng, xẻng, cuốc ra “mót” vàng.

Giờ đây, những người đãi cát tìm vàng theo hình thức thủ công không còn nhiều, bởi đa phần họ đã chuyển qua những nghề khác như thợ mộc, thợ xây… thu nhập cao và ổn định hơn. Tuy nhiên, với ông Phương, công việc đãi vàng giờ đây không còn nặng vấn đề “cơm áo gạo tiền”, mà nó còn là một đam mê từ thuở hàn vi.

Hình ảnh được ngụp lặn dưới dòng suối trong vắt, căng mắt để nhìn những cám vàng lấp lánh vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông Phương. Vì thế, khi cơ hội đến, ông Phương lại hăng hái đóng bưởng, mua xẻng…đi đãi cát tìm vàng.

Nhớ lại thời kỳ “hoàng kim” đãi vàng, ông Phương kể: “Có thời điểm tôi chỉ đi đãi trong vòng một tuần là đã được 3 chỉ vàng, đổi được một con trâu to. Nhưng bây giờ khó hơn rồi, đãi vàng vất vả mà chẳng được đáng bao nhiêu, ngày 1 - 2 trăm nghìn thì không biết đến bao giờ mới mua được con trâu to”.

img

Vỉa vàng cám mới được phát hiện.

Việc đãi cát tìm vàng thủ công như các ông Thanh, ông Phương giờ đây ít người làm bởi rất vất vả. Tính trung bình mỗi bưởng đất đá cũng ngót nghét 30 kg, vác đi xa hàng chục mét để đến khu vực nước suối sâu, rồi vo, đãi. Nhìn ông Phương giơ chiếc lọ pê-ni-xi-lin lên trời quan sát, tôi cảm nhận thấy ánh mắt của ông rạng ngời, bởi thành quả lao động của một ngày vất vả đã được đền đáp. Tuy nhiên, khi được “mục sở thị” lượng vàng mà ông Phương cho xem, tôi phải căng mắt mới nhìn thấy vài “con mò” vàng.

“Giờ đây, các dòng sông, suối hằng năm được bồi lấp bởi đất đá do mưa lũ, nên việc tìm và phát hiện ra những vỉa vàng khó hơn rất nhiều. Những vỉa vàng nằm khá sâu, thường là khu vực phía trên giáp với lớp than non sẽ có nhiều vàng hơn so với những khu vực khác” - ông Phương tâm sự.

Gần đây, khi dòng suối làng Chiềng được cải tạo, kè bờ, đất đá dưới dòng được máy xúc xới lên, nhìn “tiếc của giời” nên ông Thanh, ông Phương cùng một số người hàng xóm chiều chiều lại ý ới gọi nhau đi đãi cát, tìm vàng.

Khi chiều muộn, dòng nước suối bắt đầu lạnh hơn, đôi chân, đôi tay đã bị “héo” như tàu lá do bị ngâm nước cả buổi, cũng là lúc cánh đãi vàng như ông Phương, ông Thanh thu dọn đồ đạc về nhà. Trên đường về, họ tiếp tục trò chuyện vui, tâm sự về một ngày lao động vất vả và những thành quả gặt hái đượ

Trung Nguyên (Báo Lào Cai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem