TS Lê Thanh Lựu. Ảnh: Ngọc Thọ
Trên là khẳng định của TS Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS), chuyên gia đầu ngành về thủy sản nói về việc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị lấy 1 mẫu của 30 tấn cá nục rồi kết luận cả lô nhiễm chất cực độc và cho tiêu hủy.
“Nếu đúng như báo chí nêu nếu thì cách làm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị không khoa học, ai đời lô hàng 30 tấn cá mà chỉ có lấy 1 mẫu rồi đưa đến kết luận và tiêu hủy cả 30 tấn cá bao giờ” - TS Lê Thanh Lựu nói.
TS Lê Thanh Lựu cho biết thêm: Với lượng cá trong kho lạnh tới hàng trăm tấn như vậy mà Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Quảng Trị chỉ lấy có mấy mẫu thì không đúng quy trình. Chỉ tính riêng với lượng cá nục 30 tấn trong kho lạnh thì đáng ra phải lấy hàng chục mẫu, mỗi mẫu chia ra làm 3 phần và gửi đi ít nhất 3 nơi để kiểm nghiệm độc lập, có trị số trung bình rồi, từ đấy mới có thể công bố kết quả và có hướng xử lý được.
“Một mẫu cá nục thuộc lô hàng 30 tấn có chứa chất phenol chỉ nói lên được một khía cạnh nào đó chứ chưa đủ cơ sở để kết luận khoa học. Anh làm khoa học anh phải cẩn trọng, phải đủ cơ sở thì mới kết luận được. Anh vội vàng kết luận thì vô cùng nguy hiểm”.
Lô hàng cá nục 30 tấn được lấy 1 mẫu và cho kết quả có chứa Phenol của bà L.T.T (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Ảnh: CQCN
TS Lựu lấy ví dụ: Lấy mẫu cá về bản chất cũng không khác gì cách lấy mẫu gạo mà nhiều người biết: Trong một kho gạo, cứ vài bao người ta lại lấy một mẫu chứ không thể cả kho hàng chục, hàng trăm tấn lấy chỉ 1 mẫu rồi kết luận về chất lượng gạo được.
“Cơ quan chức năng và tỉnh Quảng Trị cần lấy thêm các mẫu cá nữa, không chỉ lấy mẫu trong một kho mà lấy nhiều kho lạnh, nhiều cơ sở, sau đó, chia nhỏ ra và gửi đi kiểm nghiệm độc lập, có kết quả thì thông tin rộng rãi để không gây hoang mang dư luận” – TS Lê Thanh Lựu cho hay.
“Việc cần làm ngay nữa là phải truy xuất ngược về 30 tấn cá này: Cá được thu mua từ những nguồn nào, do những ai khai thác? Khai thác ở vùng biển nào? Khai thác từ một tàu hay từ nhiều tàu?.v.v.. Tuy việc này mất thời gian nhưng không thể không làm” - TS Lựu nói.
TS Lựu cho hay: Nói về nguyên nhân thì hiện chưa thể biết được, phải làm đầy đủ các bước trên theo đúng quy trình. Giả thiết có thể nhiều: Có thể do kho lạnh gần nguồn phenol cũng có thể do vùng biển có hàm lượng phenol cao... Giả thiết thì có rất nhiều cho nên các cơ quan chức năng phải làm đúng quy trình, đẩy đủ cơ sở khoa học, vào cuộc nghiêm túc, cẩn trọng!
Theo TS Lựu, phenol là chất cực độc. Chất này là tên riêng của hợp chất cấu tạo bởi nhóm Phenyl liên kết với nhóm Hidroxyl, chất tiêu biểu cho các Phenol. Do có tính diệt khuẩn cao nên Phenol được dùng trực tiếp làm chất sát trùng, tẩy uế, điều chế các chất diệt nấm mốc như Ortho; Para hay Nitrophenol...Điều nguy hiểm là Phenol tác động thẳng lên cấu trúc não bộ và thần kinh như khiến tăng động, tăng sự hung hãn, suy giảm ý thức, dậy thì sớm, kích thích sự phát triển tuyến vú, rối loạn chu kỳ sinh sản, gây ra những hiệu ứng bất thường ở buồng trứng, gây vô sinh, kích thích các tế bào gây ung thư tiền liệt tuyến, suy giảm chức năng miễn dịch, đái tháo đường...
“Do Phenol rất dễ hòa tan trong các loại thực phẩm nên chủ yếu đi vào cơ thể người qua đường ăn uống. Một khi Phenol vào cơ thể thì rất khó để có thể đẩy, thải ra ngoài được” – TS Lê Thanh Lựu.
Cũng theo TS Lựu, phenol có phenol đơn vòng và phenol đa vòng. Trong lô cá nục đấy nếu như được lấy nhiều mẫu để kiểm nghiệm và cho trị số trung bình về hàm lượng cuối cùng, cho kết quả là phenol đơn vòng thì nguy hiểm là ít hơn phenol đa vòng. Với phenol đa vòng chỉ hàm lượng rất nhỏ đã có thể gây mất mạng.
Được biết, một ngày sau khi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị, Sở Y tế Quảng Trị có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị về kết quả kiểm nghiệm 30 tấn cá nục trong kho cấp đông của vựa cá Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) có hàm lượng Phenol, ngày 11.6, toàn bộ cảng cá Cửa Tùng vắng tanh, gần như không có bất kỳ hoạt động mua bán nào diễn ra.
Ông Lê Thanh Lựu là Tiến sĩ Trường Đại học Laroslav, Liên xô (cũ); Trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội; Trường Đại học Thủy sản, Đại học Washington, Giấy chứng nhận Fishing Nutrition Mỹ. TS Lựu nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (RIA-1). TS Lựu là thành viên tích cực của Hội đồng quản lý Mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng Châu Á - Thái Bình Dương (NACA). TS Lựu là chuyên gia hàng đầu và có tiếng trên thế giới về thủy sản.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.