Cuộc sống trong “phổi sắt”
Có mặt tại nhà luật sư Paul Alexander, thứ đầu tiên đập vào mắt những vị khách chính là chiếc máy hô hấp cơ học cồng kềnh màu vàng như "phổi sắt". Toàn bộ cơ thể của vị luật sư già nằm bên trong chiếc máy, chỉ có đầu ông là nhô ra, tựa vào một cái gối trên chiếc bàn điều chỉnh được độ cao. Bên trong cỗ máy, cơ thể cứng nhắc của ông Paul nằm dưới một tấm vải trắng. Ông phải phụ thuộc vào bà Kathryn Gaines - người chăm sóc ông trong suốt 30 năm qua. Bà Kathryn giúp ông ăn, rửa mặt vào buổi sáng, đánh răng và cạo râu. Ông được tắm và thay chăn qua các cửa sổ ở hai bên máy thở.
Ông Paul Alexander ở bên trong lá phổi sắt của mình tại nhà.
Xung quanh đầu ông là những thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại, loa… để liên kết ông với thế giới bên ngoài.
Nhiều vị khách tò mò hỏi: “Ông đang ở trong cái gì vậy? Đó có phải là phòng tắm hơi không?”. Ông đáp: “Không. Đó là một “lá phổi sắt”. Tôi bị bại liệt từ khi còn bé”.
Đặt xung quang đầu ông là những dụng cụ hỗ trợ.
Hiện, ông Paul là một trong số ít người còn dùng “lá phổi sắt” kiểu này. Vị luật sư già đã sử dụng nó từ khi ông mới lên 6. Nhớ lại thời điểm phát hiện mình mắc bệnh bại liệt, ông Paul cho biết, ban đầu, lưng và cổ ông cứng đờ, cảm giác đau đớn xuyên qua tứ chi. Chỉ vài ngày sau, ông bắt đầu bị ảo giác, sốt cao. Sau đó, ông yếu dần đến nỗi không thể ngồi trong nhà vệ sinh.
Ông được đưa đến bệnh viện phẫu thuật mở khí quản và khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong một "chiếc lều". Từ đó, cuộc đời ông gắn liền với “lá phổi sắt”.
Với sự giúp đỡ của nhà trị liệu vật lý, ông Paul dần vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, tự thở và học cách nuốt không khí giống như một con cá.
Bà Kathryn Gaines - người chăm sóc và là người bạn tri kỷ của ông Paul rửa mặt cho ông.
Nằm một chỗ vẫn lấy 2 bằng đại học
Đối với một cậu bé ham học như ông Paul, bị bại liệt thực sự là một cơn ác mộng. Khi ông còn nhỏ, vài người nói ông sẽ không thể hoàn thành những gì của hiện tại. Thậm chí, nhiều lúc, chính ông cũng không tin tưởng bản thân có thể làm được những việc đó và tự hỏi: “Tại sao Chúa để điều này xảy ra với tôi?”.
Cuối cùng, niềm tin, sự bất chấp và hơn hết là sự động viên từ chính cha mẹ quá cố của ông đã giúp ông vượt lên chính mình. “Cha mẹ rất yêu tôi. Họ nói: “Con có thể làm bất cứ điều gì” và tôi tin vào điều đó… Tôi biết rằng đó là con đường dẫn đến tương lai”, ông Paul chia sẻ.
Hình chụp ông Paul vào tháng 8/1955, khi ông 9 tuổi. Ông chia sẻ: "Tôi thích vẽ tranh, đi dã ngoại và đi nhà thờ".
Là một trong những học sinh đầu tiên của học khu Dallas ISD, ông Paul đã học cách ghi nhớ thay vì ghi chép. Năm 1967, ông tốt nghiệp và đứng thứ hai trong lớp tại Trường Trung học W.W. Samuell. “Lý do duy nhất tôi không được đứng thứ nhất là vì tôi không thể làm thí nghiệm sinh học”, ông Paul nhớ lại.
Năm 1978, ông đã lấy bằng cử nhân tại Đại học Texas ở TP.Austin, rồi sau đó là bằng luật vào năm 1984. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã thực hành luật gia đình và giúp mọi người nộp đơn xin phá sản để chống lại các chủ nợ.
Ông Paul cũng thừa nhận, ông từng có một tình yêu đẹp với một bạn nữ cùng lớp khi học tập tại Đại học Phương pháp miền Nam (nơi ông theo học trước khi chuyển qua Đại học Texas). Tuy nhiên, bản thân ông không cam kết bất cứ điều gì với người mình yêu vì ông cảm thấy, điều đó không công bằng với họ.
Bệnh bại liệt phá hủy các tế bào thần kinh trong tủy sống. Nạn nhân nổi tiếng nhất của căn bệnh này là Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt.
Hiện, bệnh bại liệt gần như đã biến mất, chỉ còn phát hiện 8 trường hợp vào năm 2018, ở Afghanistan và Pakistan. Nhưng cho đến khi nó bị xóa sổ hoàn toàn, bại liệt vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Đây là viễn cảnh khiến ông Paul Alexander đau đáu khi ngày càng có nhiều phụ huynh ở Mỹ không tiêm phòng cho con cái.
Ông Paul chính là một lời nhắc nhở về một thời mà bệnh bại liệt hoành hành khiến cả thế giới kinh hoàng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.