Trung tướng Bùi Văn Thành (đồ họa Việt Anh).
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết: Theo Hiến pháp năm 2013, Luật Công an nhân dân năm 2014, Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân.
Luật còn ghi rõ: Người có thẩm quyền phong, thăng cấp bậc hàm nào thì có thẩm quyền tước, giáng cấp bậc hàm đó; mỗi lần chỉ được thăng, giáng một cấp bậc hàm, trừ trường hợp đặc biệt mới xét thăng, giáng nhiều cấp bậc hàm.
Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (ảnh IT).
Về thủ tục phong, thăng cấp bậc hàm tướng trong Công an nhân dân, Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho biết thêm, theo Hiến pháp cũ (1992) và Luật Công an nhân dân cũ, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phong, thăng cấp sĩ quan cấp thiếu tướng, trung tướng, còn cấp thượng tướng, đại tướng là do Chủ tịch nước phong. Theo Luật hiện hành thì việc phong, thăng cũng như tước, giáng cấp bậc hàm tướng đều thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.
Như vậy thẩm quyền xem xét, giáng cấp bậc hàm tướng đối với ông Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an và ông Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an là thẩm quyền của Chủ tịch nước.
Vẫn theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Luật tổ chức Chính phủ và Luật Công an nhân dân 2014 quy định: Thủ tướng là người bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng trong Công an nhân dân.
Về trường hợp của Trung tướng Bùi Văn Thành, ông hiện đã bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng, hiện ông còn chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an chưa bị xử lý. Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính với tướng Thành.
Vào năm 2014, ông Thành được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an, ông được Chủ tịch nước thăng cấp hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng.
Trao đổi với PV Dân Việt về việc này, một Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Quy định 30/2016 Thi hành chương VII và VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nêu rõ:
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Tổ chức Đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.
Theo dõi nhiều vụ việc xử lý kỷ luật cán bộ gần đây cho thấy, trường hợp cán bộ có vi phạm bị nhận hình thức kỷ luật bên Đảng, sau đó họ cũng bị nhận hình thức kỷ luật bên chính quyền tương đương (nếu có chức vụ bên chính quyền). Như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2016, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 -2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, tiếp theo, Thủ tướng ký quyết định thi hành kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 -2016 của ông Hoàng.
Mới đây là trường hợp của ông Trương Minh Tuấn, ông bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo, sau đó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.