Bị cáo Đinh La Thăng (ảnh TTXVN).
Tại phần xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng, ông Thăng cho biết được bổ nhiệm Hội đồng quản trị (HĐQT) sau gọi là Hội đồng thành viên (HĐTV) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong thời gian từ tháng 2.2016, đến hết tháng 7.2011. Bị cáo Thăng thừa nhận có ký thỏa thuận góp vốn với OceanBank, biên bản đó thống nhất về mặt chủ trương, đồng ý sẽ mua cổ phần của OceanBank. Việc này xuất phát từ lý do PVN không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt, khi ký thỏa thuận hợp tác OceanBank sẽ tiếp nhận toàn bộ máy cũng như hạ tầng PVN đã đầu tư để mở ngân hàng. Tỷ lệ PVN góp vốn tối đa là 20%.
“Thỏa thuận với OceanBank được bị cáo ký ngày 16.9.2008, trên cơ sở tờ trình của Tổng giám đốc của PVN và Nguyễn Xuân Sơn lúc đó là Phó Tổng giám đốc trình”, bị cáo Thăng nói.
“Trước khi ký thỏa thuận này có xin ý kiến của HĐQT không”, chủ tọa đặt câu hỏi. Bị cáo Thăng trả lời: Trước khi ký đã khảo sát, về mặt chủ trương các lãnh đạo PVN đều biết. Sau khi ký thỏa thuận có báo cáo HĐQT. Bị cáo Thăng cho biết thêm, theo điều lệ của Tập đoàn thì thỏa thuận trên muốn thực hiện phải thông qua HĐQT.
“Tại sao bị cáo không thông qua HĐQT trước khi ký”, chủ tọa phiên tòa chất vấn. Bị cáo Thăng nói thỏa thuận đó chỉ là biên bản làm việc thống nhất về chủ trương.
Chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp: Lúc đó ông Nguyễn Ngọc Sự là Phó tổng giám đốc của PVN có báo cáo về tình hình của OceanBank, bị cáo có đưa ra bàn bạc gì không? Bị cáo Thăng cho biết, báo cáo của ông Sự nói rất rõ thực trạng của OceanBank. Ngân hàng này quy mô thấp, chỉ có nhu cầu tăng vốn nên PVN mới góp vào. Sauk hi được góp vốn, vốn điều lệ của OceanBank tăng lên, khả năng thanh khoản tăng lên, hoạt động tốt hơn so với thời điểm PVN chưa góp vốn.
“Thỏa thuận số 6934 nêu trên có phải tiền đề cho những lần góp vốn lần sau” vị chủ tọa tiếp tục. Bị cáo Thăng trả lời, biên bản này không phải là tiền đề, muốn làm phải theo đúng chủ trương của Đảng pháp luật của Nhà nước. Việc ký biên bản thỏa thuận nhưng nếu sau đó HĐQT không thông qua thì không có cơ sở pháp lý.
Khi được hỏi việc góp vốn vào OceanBank, PVN có xin ý kiến Thủ tướng, ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ không, bị cáo Thăng cho biết HĐQT sau khi thống nhất, tổng hợp các văn bản và bị cáo đã ký để chuyển xin ý kiến cấp trên.
“Việc đầu tư vào OceanBank có phải ra ngoài công ty mẹ không”, chủ tọa phiên tòa hỏi? Bị cáo Thăng cho biết việc đầu tư đó là ra ngoài công ty mẹ. Việc đầu tư này phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Bị cáo Thăng cho biết thêm, Nghị quyết của HĐQT của PVN chưa phải là đã được góp vốn vào OceanBank mà phải được sự đồng ý của Thủ tướng. Lý giải về việc tại sao ký Nghị quyết về việc góp vốn trước khi xin ý kiến Thủ tướng, bị cáo Thăng cho rằng chưa có quy định nào nói trước khi ký Nghị quyết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính đã khuyến cáo khi PVN chuẩn bị góp vốn vào OceanBank, PVN có làm không? Bị cáo Thăng nói quyết định trong hoạt động kinh doanh để đầu tư phải xem xét đánh giá, như trường hợp góp vốn vào OceanBank đã tính toán khả năng phát triển của ngân hàng này.
Bị cáo Đinh La Thăng nhắc lại việc PVN không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt, khi ký thỏa thuận hợp tác OceanBank, đơn vị này sẽ tiếp nhận toàn nhân lực, cũng như hạ tầng PVN đã đầu tư để mở ngân hàng. Việc này giống như PVN gả một cô gái đẹp nhưng đã có chồng. Phụ nữ đẹp nhưng đã có chồng thì tiêu chuẩn phải khác.
Theo cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng lúc làm Chủ tịch HĐQT PVN đã có hành vi ký Thỏa thuận 6934 ngày 18.9.2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank nhưng không thông qua HĐQT; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Như vậy bị can Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceabank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank.
Đến thời điểm ngày 01.1.2011, Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank. Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng OceanBank.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.