Bí thư Nhân: Dùng 100 tỷ đầu tư thành trả dịch vụ sẽ thu hút 500 tỷ

Hồ Văn Chủ nhật, ngày 26/11/2017 13:29 PM (GMT+7)
“Chiều nay (26.11), UBND TP.HCM sẽ công bố Đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, vì vậy chúng ta cũng phải hướng đến việc xử lý rác thải một cách thông minh để bảo vệ môi trường”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.
Bình luận 0

Sáng nay, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "TP.HCM đang xây dựng đô thị thông minh thì xử lý rác có thông minh hay không? Vì thế, chúng ta cần thay đổi công nghệ xử lý, chuyển từ chôn lấp sang công nghệ đốt, khí hóa lỏng, nhằm biến 80% rác thành năng lượng (đến năm 2025)".

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đang trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị. (Ảnh: Hồ Văn)

Theo ông Nhân, TP đang rất lo, mỗi ngày có khoảng 8.000 tấn rác sinh hoạt, chưa kể rác thải công nghiệp và y tế. Hội nghị hôm nay được nghe các nhà khoa học khẳng định có nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến, biến rác thải thành năng lượng tái sử dụng. Chính quyền TP hoàn toàn có điều kiện để sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để xử lý khối lượng rác nói trên.

“Chủ trương Nhà nước là không đầu tư mà dùng tiền này để trả dịch vụ. Làm như vậy thì 1 đồng bỏ ra sẽ thu hút được từ 5-10 đồng đầu tư từ xã hội hóa. Ví dụ, TP có 100 tỷ để đầu tư, biến thành trả dịch vụ sẽ thu hút tương đương 500 tỷ đầu tư”, Bí thư Nhân nói.

Cũng theo ông Nhân, TP có 5 DN đang xử lý rác, đang có kế hoạch biến chôn lấp thành đốt, chuyển hóa thành năng lượng. Điều này là đáng mừng vì TP sẽ giữ được môi trường bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội. “Tôi hy vọng hôm nay có đại diện 18 tỉnh phía Nam cũng dự hội nghị, các tỉnh cần nhanh chóng triển khai và áp dụng công nghệ tiên tiến này để biến rác thải thành năng lượng”, Bí thư Nhân chỉ đạo.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, TP đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ chôn lấp rác còn 50% và đến năm 2025 chỉ còn áp dụng 25% công nghệ chôn lấp. Do đó, TP yêu cầu các đơn vị xử lý chất thải cần cải tạo, nâng cấp thiết bị máy móc, chuyển sang loại hình công nghệ đốt - phát điện, khí hóa lỏng… nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp.

Còn theo PGS.TS Phùng Chí Sĩ (Trung tâm Công nghệ môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam), đốt rác phát điện sẽ trở thành xu thế mới tại Việt Nam. Trong khi quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh… thì khối lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều, tạo áp lực lớn đến môi trường và sự phát triển. Mặt khác, chất thải rắn lại là nguồn tài nguyên tái tạo, đem lại lợi ích kinh tế lớn. Việc khai thác để biến chất thải rắn trở thành nguồn tài nguyên cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí đầu tư công nghệ đốt chất thải rắn phát điện quá cao nên Chính phủ cần ban hành nhiều chính sách đồng bộ như: Phí xử lý chất thải rắn, giá điện, các chính sách ưu đãi về đất đai, về phí, thuế… nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực đốt chất thải phát điện. 

img

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong lắng nghe nhà đầu tư trình bày dự án đốt rác thải tái tạo thành năng lượng. Ảnh: Hồ Văn

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

“Qua quá trình trao đổi, các nhà đầu tư mong muốn đóng góp bảo vệ môi trường, chính quyền TP rất trân trọng và đón nhận, hỗ trợ hết mình. TP sẽ công bố đấu thầu minh bạch với các chính sách ưu đãi, kích cầu cho việc xử lý môi trường. Tôi đề nghị các nhà máy xử lý rác khẩn trương đổi mới công nghệ tiên tiến nhằm xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn như mong muốn”, ông Phong nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem