Bình Dương dốc sức chống ngập, đẩy nhanh các dự án giao thông

Trường Minh - Văn Hồ Thứ năm, ngày 28/12/2017 06:36 AM (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 5 (6-8.12.2017), HĐND tỉnh khóa IX, ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã trình bày một số giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018.
Bình luận 0

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết, tính đến ngày 15.11, giá trị giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 50,6% kế hoạch; ước khối lượng thực hiện đến 31.12.2017 đạt 100,3% kế hoạch. Nhìn chung, tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là trong những tháng đầu năm.

Tập trung các giải ngân vốn đầu tư công

img

Một góc thành phố mới Bình Dương.  Ảnh: T.M

Qua phân tích xác định nguyên nhân, chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị với 9 giải pháp cụ thể, đồng thời kiến nghị Trung ương xem xét tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư. Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp, tình hình thực hiện vốn đầu tư công những tháng cuối năm đã có chuyển biến tốt.

Ông Trần Thanh Liêm nhấn mạnh, trong năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Mở rộng đường ĐT 743, giải phóng mặt bằng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường từ ngã 4 Bình Chuẩn đến Đài liệt sĩ Tân Phước Khánh, đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường Bạch Đằng nối dài, thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An... 

Mở “nút thắt” ngập úng và hạ tầng giao thông

Ông Liêm cho biết, thời gian qua, tiến độ đô thị hóa của tỉnh tương đối nhanh, ảnh hưởng đến việc thoát nước tự nhiên, thoát nước tự thấm bị hạn chế, gây ra tình trạng ngập úng cục bộ ở một số khu vực, địa phương. Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo tập trung đầu tư các công trình thoát nước, kể cả khu vực đô thị và nông thôn nhằm góp phần cải thiện tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, do đặc thù về địa hình, thủ tục đầu tư, nguồn vốn... nên công tác khắc phục các khu vực, điểm ngập còn chậm. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung xử lý với các giải pháp như: Đầu tư cống ngăn triều, bơm thoát nước, cải tạo hệ thống đê bao.

Đối với dự án đê bao ven sông Sài Gòn đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa rõ rệt, ông Liêm cho biết thêm, hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu (đoạn qua thị xã Thuận An) và đê bao Tân An - Chánh Mỹ (đoạn qua TP.Thủ Dầu Một) những năm gần đây có nhiều đoạn bị xuống cấp, lún thấp nên vào mùa mưa, nhất là khi hồ Dầu Tiếng xả lũ và triều cường nước tràn bờ, vỡ đê, làm ngập úng nhiều diện tích đất nông nghiệp và nhà ở. UBND tỉnh đã thống nhất với Bộ NNPTNT có chủ trương đầu tư dự án “Sửa chữa, nâng cấp tuyến đê bao An Tây - Phú An và Tân An - Chánh Mỹ” với tổng vốn đầu tư khoảng 555 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách trung ương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn thị xã Dĩ An dài khoảng 9km và quy hoạch đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng. Ngoài ra, quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh còn có 5 tuyến metro, trong đó tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư tuyến metro từ thành phố mới Bình Dương kết nối với Bến xe Miền Đông mới. Đồng thời, tỉnh cũng đang huy động các nguồn vốn cho các dự án kết nối tuyến Metro Suối Tiên với Thành phố mới Bình Dương nhằm góp phần giải quyết đi lại thuận lợi của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem