Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng do Bộ Y tế tổ chức chiều 16.1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, lần đầu tiên ngành y tế có hội nghị trực tuyến tập huấn cho hàng nghìn cán bộ tham gia công tác tiêm chủng, xử lý các phản ứng sau tiêm nếu có tại 700 đầu cầu của 63 tỉnh thành trên cả nước.
Trước việc không ít các bậc cha mẹ, người thân của trẻ lo ngại về các phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five nói riêng và các vắc xin khác nói chung, Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải, tiêm chủng là cách chúng ta đưa một lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh có khả năng kích thích cơ thể, gây ra lượng kháng thể để chống lại bệnh tật. Trẻ đã được tiêm chủng khi gặp virus sẽ có sẵn kháng thể để chống lại bệnh tật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác tiêm chủng vắc xin ComBE Five tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
Như vậy tiêm chủng là cách chúng ta gây miễn dịch chủ động. Quá trình kháng nguyên sinh ra kháng thể bao giờ cũng xảy ra phản ứng, nhẹ thì sốt, nặng có thể gây co giật, khó thở… Khi trẻ sốt cũng kéo theo các phán ứng khác như nôn, trớ, bỏ bú, khóc… Ở vắc xin toàn tế bào như ComBE Five, Quinvaxem còn khiến trẻ bị đau, sưng đỏ chỗ tiêm.
“Nếu trẻ tiêm chủng mà không có các phản ứng sốt thì không tốt. Như vậy có nghĩa kháng nguyên hoạt động không tốt, không sinh ra đủ kháng thể để chống lại bệnh tật. Trẻ càng khỏe mạnh, bụ bẫm có thể càng gặp sốt cao sau tiêm chủng. Trẻ yếu bệnh thì có thể lại sốt nhẹ hoặc không sốt, như vậy hiệu quả kháng bệnh cũng không cao”, Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ trưởng khẳng định, vắc xin toàn tế bào khiến trẻ xảy ra phản ứng nhiều hơn vắc xin vô bào là việc tốt. Như vậy kháng thể sinh ra ở cơ thể tốt hơn. Trên thế giới đã có những tranh cãi nên dùng vắc xin toàn tế bào thay vì vắc xin vô bào, nhất là ở các vùng đang có dịch lớn, cần phải phòng bệnh quyết liệt hơn.
“Tiêm bất cứ thuốc gì vào cơ thể đều có khả năng xảy ra phản ứng, phản vệ. Tuy nhiên, nếu không tiêm chắc chắn trẻ sẽ mắc bệnh, lúc đó, nguy cơ tử vong còn cao hơn, tốn kém về kinh tế, chưa kể trẻ sẽ sống ốm yếu, sức khỏe bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng nói.
Tại buổi tập huấn, các bác sĩ, cán bộ y tế đã được chú trọng tập huấn về xử lý sốc phản vệ, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng nhất là trẻ có phản ứng sau tiêm.
GS-TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo.
Tính đến đầu tháng 1.2019, đã có hơn 130.000 trẻ được tiêm vắc xin ComBE Five. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ trẻ phản ứng sau tiêm ComBE Five là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm các vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào (vaccine Quinvaxem, ComBE Five) là: Sốt từ 38-39 độ C chiếm tới 44,5%, phản ứng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin sử dụng).
Ca tử vong sau tiêm ComBE Five ở Hà Nội có thể do sốc phản vệ
Ngày 16.1, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá về trường hợp bé gái Kiều Hải Y. (hơn 2 tháng tuổi ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBE Five.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, do trẻ tử vong trước khi được cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất nên các chuyên gia không thu thập được những biểu hiện lâm sàng ban đầu. Theo điều tra, tại Trạm Y tế xã Cần Kiệm, sáng 9.1, ngoài bé Kiều Hải Y. còn có 38 trẻ khác cũng được tiêm vắc xin ComBE Five nhưng không ghi nhận phản ứng bất thường.
Theo gia đình, sau tiêm ComBE Five, về nhà cháu T. bị sốt và đã uống 2 gói thuốc trạm y tế phát. Uống hết thuốc cháu bé vẫn không đỡ, đến tối cùng ngày gia đình tự đi mua thuốc hạ sốt về cho con.
Đến khoảng 7h30 sáng 10.1, khi ngủ dậy, gia đình anh Tuyên phát hiện con gái anh bị chảy máu mũi nên đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất để cấp cứu. Dù đã được các bác sĩ cố gắng cứu chữa, cháu bé đã tử vong sau đó.
Qua kiểm tra tại trạm y tế này, đây là cơ sở đủ điều kiện thực hành tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế, cán bộ y tế được tập huấn, quy trình vận chuyển, bảo quản vắc xin đúng quy định... Sở Y tế Hà Nội chưa phát hiện sai sót trong quá trình tiêm chủng tại đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, sau khi xem xét lại toàn bộ sự việc, Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều tới nguyên nhân trẻ tử vong do sốc phản vệ. Đây là một trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, nguyên nhân cuối cùng phải chờ kết quả giám định pháp y sau khi thực hiện mổ tử thi. Kết quả này sẽ có trong khoảng 1 tháng nữa.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.