Cụ thể, thời gian vừa qua dư luận xôn xao bởi một số vụ đất công bán giá rẻ được phản ánh, dư luận băn khoăn trong thời gian tới các dự án này đc xử lý như nào?
Trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đây là vấn đề Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo. Với Chính phủ, cơ quan này đã giao cho cơ quan thanh tra chuyên môn để xác minh, làm rõ dư luận.
“Tinh thần là yêu cầu phải minh bạch, yêu cầu phải công khai, thu lại cho Nhà nước lợi ích cao nhất. Từ nay trở đi dứt khoát phải đấu giá, minh bạch, mọi người được tham gia, người dân phải được giám sát” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước đó, dư luận xôn xao về việc Hơn 320.000 m2 đất công của TP.HCM bị bán rẻ cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM vừa yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ nay trở đi dứt khoát phải đấu giá, minh bạch trong các vấn đề liên quan đến đất công để mọi người được tham gia, giám sát. (Ảnh: Nguyễn Chương)
Theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 5/6/2017 và các phụ lục hợp đồng kèm theo, Công ty Tân Thuận bán khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn cho doanh nghiệp giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách nhà nước hơn 419 tỷ đồng. Giá chuyển nhượng này được cho là rẻ bất thường.
Vì sao Quốc Cường Gia Lai được ưu ái?
Trước khi bán đứt khu đất, ngày 26/4/2017, Công ty Tân Thuận chỉ đề nghị Văn phòng Thành ủy chấp thuận cho hợp tác đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư Phước Kiển với Công ty Quốc Cường Gia Lai. Quy mô dự án là 50 ha, trong đó đất thuộc Văn phòng Thành uỷ quản lý là khoảng 32 ha (hơn 320.000 m2).
Để có cơ sở đề xuất, Công ty Tân Thuận đã thực hiện hàng loạt động thái nội bộ trong vòng một tuần. Cụ thể, ngày 19/4/2017 họp hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh. Ngày 24/4/2017 họp giữa hai công ty về phương án chuyển nhượng đất. Một ngày sau, Tổng giám đốc Trần Công Thiện trình Hội đồng thành viên công ty phương án góp 30% vốn và được chấp thuận.
Tại phương án hợp tác đầu tư, Công ty Tân Thuận định giá tổng giá trị khu đất là 358 tỷ đồng (1,1 triệu đồng/m2). Trong công văn báo cáo với Văn phòng Thành ủy, Công ty Tân Thuận cho biết tiến độ góp vốn trong vòng 20 ngày, Công ty Quốc Cường Gia Lai phải thanh toán 70% giá trị đất đã nhận chuyển nhượng là 250,6 tỷ đồng.
Khu đất được chuyển nhượng với giá rẻ khiến dư luận bức xúc. (Ảnh: Tuyết Nguyễn)
Lý do phải hợp tác đầu tư là thời điểm này công ty không còn là chủ đầu tư dự án, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân và tổ chức đến mua gom đất gây khó khăn cho công ty khi tiếp tục đền bù.
Để triển khai dự án, Tân Thuận phải thực hiện thủ tục lại từ đầu và phải có trên 1.300 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (dựa trên tổng mức đầu tư dự án gần 6.600 tỷ đồng). Trong khi đó công ty hiện "không đủ năng lực tài chính vì vốn chủ sở hữu chỉ có 162 triệu đồng".
Ngoài ra, việc cho Quốc Cường Gia Lai đầu tư chung mà không phải doanh nghiệp nào khác, là vì hai bên từng hợp tác tại dự án Khu dân cư ven sông Tân Phong (quận 7). "Đây là điều kiện thuận lợi do đã hiểu biết nhất định về đối tác, không mất thời gian tìm hiểu lâu", Công ty Tân Thuận báo cáo trong đề xuất với Văn phòng Thành ủy.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, Công ty Tân Thuận đã chuyển phương án từ hợp tác đầu tư dự án với Công ty Quốc Cường Gia Lai theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ thành chuyển nhượng luôn khu đất. Từ hợp tác đầu tư đến chuyển nhượng đất, giá trị khu đất đã được định giá tăng từ 1,1 triệu đồng/m2 lên 1,29 triệu đồng/m2.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.