Ngày 2.4, nhiều chuyên gia, giám đốc của các tổ chức bảo tồn, bảo vệ nghiên cứu các loài động, thực vật quốc tế đã có mặt ở bán đảo Sơn Trà.
Các chuyên gia quốc tế tham quan Bán đảo Sơn Trà (ảnh Tuan Greenviet)
Đoàn gồm có ông Josh Kempinski, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế (FFI); ông Ben Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Chương trình phát triển tổ chức quỹ bảo tồn thê giới (WWF) tại Việt Nam; ông Jonathan Charles Eames, Tổ chức bảo tồn chim quốc tế; Tiến sĩ Hà Thăng Long, Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam; ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet cùng lãnh đạo các tập đoàn REE, ACB, AA Decor, Galaxy.
Sau một ngày đi tham quan quan bán đảo Sơn Trà, tất cả chuyên gia đều có nhận định, bán đảo Sơn Trà không chỉ là báu vật của Đà Nẵng mà của cả khu vực Đông Nam Á, trong đó có hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là loài Vooc Chà vá chân nâu… cần phải bảo tồn toàn vẹn hệ sinh thái tại đây.
Ông Josh Kempinski, Giám đốc Tổ chức FFI khẳng định: "Trên thế giới, rất hiếm thành phố nào có hơn 1 triệu dân mà lại có khu rừng đặc hữu như ở Đà Nẵng. Khu rừng này nếu được bảo vệ tốt thì sẽ là một lợi thế để phát triển du lịch sinh thái bền vững mà không nơi nào trên thế giới có. Đà Nẵng nên có biện pháp giữ gìn nguyên vẹn khu rừng này để tạo ưu thế phát triển lâu dài".
Còn ông Jonathan Charles Eames, Tổ chức bảo tồn chim quốc tế cho rằng, Sơn Trà là một trong những hệ sinh thái rừng ven biển hiếm còn tương đối nguyên vẹn và rất đặc biệt.
"Tôi cho rằng, quy hoạch Sơn Trà được đưa ra vừa qua cần được điều chỉnh để giữ nguyên hiện trạng cho Sơn Trà là một khu bảo tồn hơn là khu du lịch nghỉ dưỡng. Chúng ta nói nhiều về du lịch sinh thái nhưng việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên núi như thế này không phải là du lịch sinh thái, du lịch sinh thái là cần tôn trọng thiên nhiên để có thể phát triển lâu dài", ông Jonathan Charles Eames nhấn mạnh.
Có mặt trong đoàn và cũng có chung quan điểm, Tiến sĩ Hà Thăng Long, Hội động vật học Frankfurt (Đức) tại Việt Nam cho rằng : "Sơn Trà là một hệ sinh thái rất đặc trưng, có rừng và biển gắn liền với nhau. Việc tác động lên Sơn Trà không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trên cạn mà còn ảnh hưởng lên hệ san hô, sinh vật biển dưới biển. Thực tiễn cho thấy việc xây dựng các nhà hàng, khách sạn ở khu vực phía Nam bán đảo Sơn Trà đã ảnh hưởng đến sự tồn tại của các rạn san hô ở khu vực này. Do các chất thải, nước thải từ sinh hoạt của con người làm ô nhiễm môi trường sống của các rạn san hô và các loài sinh vật biển".
Vooc chà vá chân nâu xuống tận mép biển tìm thức ăn (ảnh Tuan Greenviet)
Tiến sĩ Hà Thăng Long nhận định, hiện quy hoạch du lịch Sơn Trà nặng về việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi của con người ở độ cao 200 m trở xuống. Quy hoạch này cần phải nghiên cứu lại.
“Hệ sinh thái rừng ở đây (khoảng 1.056 hecta) thực sự quan trọng không chỉ đối với loài Vooc chà vá chân nâu, một loài linh trưởng nguy cấp mà còn quan trọng đối với người dân Đà Nẵng vì chức năng điều hòa không khí (cung cấp khí oxy sạch), giữ gìn nguồn nước bề mặt, bổ sung nước ngầm.
Ngoài ra, hàng trăm loài động, thực vật, vi sinh vật cũng đang tồn tại trên hệ sinh thái này. Một bộ phận người dân TP.Đà Nẵng vẫn sinh sống bằng các hoạt động khai thác thủy hải sản gần bờ, xung quanh bán đảo Sơn Trà. Việc xây dựng, gia tăng các tác động lên Sơn Trà chắc chắn sẽ dẫn đến suy thoái tính đa dạng, giảm sự phong phú quần thể các loài cá, tôm và các nguồn lợi thủy sản khác.
Do các rạn san hô, nơi các loài sinh vật biển vào sinh sản bị phá hủy. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến sinh kế, an sinh của nhiều người dân trong khu vực xung quanh Sơn Trà. Nên cần cân nhắc và rất cẩn trọng khi ứng xử với Sơn Trà!", Tiên sĩ Hà Thăng Long phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.