Chữ ký tập thể của hiệu trưởng các trường trung cấp y
Từ 2021 sẽ ngưng tuyển dụng hệ trung cấp y
Đơn “kêu cứu” tập thể này cũng được đồng loạt gửi đến Quốc Hội, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ kiến nghị “sửa lại hoặc tạm ngừng thực hiện thông tư liên tịch về việc ngưng đào tạo trung cấp nhóm ngành y tế”…
Gấp “chuẩn hóa” sẽ gây… lãng phí
Theo ông Nguyễn Khắc Thương, Hiệu trưởng Trường TC Tây Sài Gòn, hiện nay nhu cầu nhân lực y tế bậc trung cấp ở tuyến xã, ấp, vùng sâu vùng xa là rất lớn để tham gia vào công tác phòng dịch, tiêm chủng, theo dõi, chăm sóc, sơ cấp cứu ban đầu trước khi chuyển đến các tuyến trên. Chưa kể, số lượng nhân viên y tế học đường, y tế tại các doanh nghiệp được đào tạo trung cấp y hết sức ít ỏi, đa số là trình độ sơ cấp và thậm chí không có chuyên môn cũng phải kiêm nhiệm y tế trường học, doanh nghiệp… Chính vì vậy, chưa thể ngưng đào tạo nhóm ngành y tế bậc trung cấp.
Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng cho biết, hiện có 126 ngàn/tổng số 430 ngàn viên chức ngành y tế có trình độ trung cấp, chiếm gần 30% tổng số viên chức y tế. Việc Bộ Y tế đưa ra lộ trình đến năm 2021 sẽ chỉ tuyển viên chức y tế có trình độ cao đẳng, thì làm sao kịp "nâng" trình độ cho cả trăm ngàn người, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa. Chưa kể, hiện nay tình trạng chung ở các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương là mỗi người bệnh thường kéo theo 1-2 người nhà đi chăm sóc nhưng lại không có chuyên môn, nghiệp vụ. Điều này vừa lãng phí sức lao động, vừa gây khó khăn trong công tác quản lý tại các bệnh viện...
“Việc quá gấp để chuẩn hóa trình độ theo thông tư 26 là “hình thức” và gây lãng phí xã hội về lao động”, ông Sáng nói.
Đại diện các trường trung cấp khác lại cho rằng hệ thống giáo dục có bất cập so với thế giới nên người học trung cấp chuyên nghiệp chịu thiệt thòi, đặc biệt nếu đi lao động ở ngoài nước. Thực tế ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Malaysia... những người tốt nghiệp THPT học thêm 2 năm sẽ được cấp bằng CĐ. Do vậy, Bộ Y tế cần đánh giá người được đào tạo trung cấp ra có làm việc được không, có đáp ứng được các yêu cầu của ngành đối với vị trí làm việc được tuyển dụng hay không chứ không phải chỉ là quy định “cứng” buộc phải có bằng CĐ.
“Có thể khẳng định, qui định chỉ tuyển dụng từ trình độ CĐ vào ngành y là một qui định chủ quan, duy ý chí, chưa có sự nghiên cứu kỹ thực tế. Thiết nghĩ cần phải có một lộ trình mười lăm đến hai mươi năm, thay vì chỉ năm năm như mục tiêu của Bộ”, hiệu trưởng một trường trung cấp bức xúc.
Sửa lại hoặc tạm ngừng thông tư
Đại diện các trường TCCN đào tạo ngành y đã đồng loạt ký tên kiến nghị các giải pháp: Trước hết, Bộ GD-ĐT cần xem xét đổi tên trung cấp chuyên nghiệp thành CĐ hai năm cho phù hợp với quy chuẩn chung của quốc tế. Hiện nay Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và nhiều thị trường khác đang tuyển số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý nhưng họ đều yêu cầu trình độ tối thiểu là cao đẳng trở lên (theo tên gọi bậc học của họ).
“Việc đổi tên gọi ngoài đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, còn là mở rộng cơ hội làm việc ở nước ngoài. Muốn hội nhập thì phải đồng bộ, không chỉ hội nhập về qui định bằng cấp tuyển dụng mà còn cần có sự chuẩn bị cho các cơ sở đào tạo, chuẩn bị nguồn được đào tạo”, GS.TS Vũ Gia Hiền, Hiệu trưởng Trường TC Âu Việt nói .
Ngoài ra, Bộ Y tế cần sửa đổi lại và trước hết là tạm ngừng chưa thực hiện Thông tư 26 để phù hợp với tình hình thực tế.
“Hiện nay Bộ GD-ĐT chưa xây dựng xong khung trình độ quốc gia và các bộ ngành khác vội vàng trong việc áp chuẩn trong hội nhập ASEAN về trình độ lao động đã thực sự chưa chuẩn bị bước đệm cho chuyển đổi hoặc nâng cấp trình độ đào tạo của trong nước cho tương đương, phù hợp. Vì vậy, nếu kiên quyết làm thì sẽ gây thiệt hại và gây xáo trộn nhiều thành phần”, ông Sáng nói.
Theo thông tư liên tịch 26, từ năm 2018, các trường sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo, từ năm 2021 sẽ ngưng tuyển dụng hệ trung cấp Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật y học và từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.