Căng thẳng tình trạng các hồ thủy điện, thủy lợi đều đầy nước

Việt Hà Thứ hai, ngày 06/11/2017 10:00 AM (GMT+7)
Tình hình thiên tai ở miền Trung đang rất căng thẳng. Mưa lớn những ngày qua đã làm tất cả hồ thủy điện lẫn hồ thủy lợi đều trong tình trạng đầy nước. Nhiều lưu vực sông đã trên mức báo động 3, thậm chí tiếp cận mức lũ lịch sử năm 1997. Nước lũ đã làm nhiều khu vực ở hạ du Trung Trung bộ và Nam Trung bộ bị ngập lụt trên diện rộng.
Bình luận 0

img

Nhiều khu vực vẫn ngập sâu nên thợ điện Phú Yên phải dầm mình trong nước để xử lý sự cố lưới điện.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các bộ ngành liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tình hình thiên tai ở miền Trung đang rất căng thẳng. Mưa lớn trong những ngày qua đã làm tất cả hồ thủy điện lẫn hồ thủy lợi đều trong tình trạng đầy nước. Nhiều lưu vực sông đã trên mức báo động 3, thậm chí tiếp cận mức lũ lịch sử năm 1997. Nước lũ đã làm nhiều khu vực ở hạ du Trung Trung bộ và Nam Trung bộ bị ngập lụt trên diện rộng. 

Sáng nay, mưa ở miền Trung giảm dần, lũ thượng nguồn đang xuống, nhưng vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) đang ở mức đỉnh; sông Kôn (Bình Định) đang lên; sông Đắkbla (Kon Tum) đang ở mức cao. Lũ các sông khác từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đang xuống.

Nhiều địa bàn của tỉnh Quảng Nam vẫn bị ngập sâu, trong đó thành phố Hội An có 8/9 xã phường ngập trung bình 0,5-1m, sâu nhất 1,5m; các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuân vẫn đang bị ngập ở hầu hết xã.

Tương tự ở Thừa Thiên Huế, dù mưa đã giảm, lũ các sông có xu hướng xuống, nhưng thành phố Huế có 25/25 xã, phường bị ngập. Thị xã Hương Thủy, các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới đều có khu vực bị ngập.

Bão và hoàn lưu sau bão đã làm 44 người chết, 19 người mất tích, nhiều tỉnh thành ngập sâu.

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho hay đến 6h hôm nay 41 hồ thủy điện đang xả lũ. Các hồ đều vận hành đúng quy trình, không có sự cố công trình hồ đập.

Riêng hồ thủy lợi đã xảy ra sự cố. Tổng cục Thủy lợi cho biết, 1h ngày 6.11 mưa lớn đã làm hồ Nước Rôn dung tích 1,1 triệu m3 ở xã Trà Dương (Bắc Trà My, Quảng Nam) vỡ. UBND huyện Bắc Trà My đã tổ chức di dời khẩn cấp 250 hộ dân xã Trà Dương, đến nay không có thiệt hại về người.

Ngoài ra, hai hồ chứa Đá Bàn (dài 80m, rộng 10m, sâu 1m) và Tiên Du thuộc tỉnh Khánh Hòa (chiều dài 100m, rộng 7m, sâu 1m) bị sạt lở mái thượng lưu đập.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa để giảm thiểu thiệt hại. Ban Chỉ huy PCTT ở các địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn, cụ thể hơn với tinh thần phòng chống úng ngập, lũ lụt. Đặc biệt, phải xây dựng các kịch bản ứng phó khi xả lũ từ các hồ chứa đã bị đầy nước, kể cả kịch bản xấu nhất; chủ động sơ tán dân ở vùng hạ du xảy ra xả lũ, không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy".

Cho đến hôm nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn vẫn liên tục cập nhật các số liệu, đưa ra các dự báo sát thực tiễn về tình hình mưa lũ. Do đó, các cơ quan quản lý, chủ hồ cũng cần liên tục cập nhật các số liệu quan trắc, vận hành đúng theo quy trình liên hồ chứa; các hồ nhỏ phải thường xuyên cập nhật số liệu để ứng phó với mưa lũ.

Ông Hoàng Đức Cường -  Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết: Tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vẫn tiếp tục có mưa với lượng mưa lớn từ 200-300 mm. Về tình hình mưa lũ, ở Phú Yên, Khánh Hoà đã có lũ trên báo động 3; Quảng Bình - Quảng Ngãi lũ cũng đang lên rất nhanh. Dự báo, lũ ở các sông từ Quảng Bình - Quảng Ngãi tiếp tục lên nhanh, có nơi trên báo động 3 từ 1-1,5 mét. Đặc biệt, lũ tại sông Bồ, sông Hương - Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn - Quảng Nam lên trên báo động 3.

Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện lũ trên sông Hương đã lên trên báo động 3 hơn 1 mét. "Theo quy trình vận hành liên hồ, chủ tịch UBND các tỉnh được giao vận hành xả lũ, còn trong tình huống khẩn cấp thì Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT vận hành xả lũ” - ông Hoài cho biết.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN đã chỉ đạo 4 thủy điện khu vực Nam Trung bộ hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm: Thủy điện Sông Ba Hạ tại Phú Yên, Thủy điện Sông Hinh tại Phú Yên; Thủy điện Sông Bung 4 tại Quảng Nam và hồ chứa Đơn Dương thuộc Thủy điện Đa Nhim tại Lâm Đồng.

Ngoài ra, EVN cũng đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thực hiện huy động tối đa công suất của các nhà máy thủy điện trong khu vực bị ảnh hưởng để góp phần hạ thấp mức nước, tạo dung tích đón lũ.

img

Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều cây xanh bị bão đánh bật gốc, kéo đổ cả cột điện và đường dây phân phối 

Được biết, lưới điện các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định thiệt đã bị thiệt hại nặng nề do bão số 12 (Damrey). Ngay khi bão đi qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và các công ty điện lực địa phương đã huy động nhân lực, vật tư để kiểm đếm và triển khai khắc phục hậu quả thiên tai, khẩn trương cấp điện trở lại cho người dân. 

Tại Phú Yên, 17 năm trở lại đây mới có 1 trận bão gây thiệt hại lớn trên lưới điện tỉnh như bão Damrey - ông Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết.

Đổ bộ vào đất liền từ khoảng 3 giờ sáng, cơn bão đã quần thảo 6-7 tiếng đồng hồ. Hàng trăm cột điện bị nghiêng, gãy, đổ. Ngoài ra, có rất nhiều cây xanh gãy đổ vào đường dây. Các khu vực lưới điện bị thiệt hại nặng nhất là TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa.

Ngay khi ngớt gió, toàn bộ lực lượng công nhân của PC Phú Yên đã được điều động để khảo sát, đánh giá hiện trạng lưới điện. Tại những điểm đảm bảo an toàn, lập tức thi công sửa chữa. PC Phú Yên còn huy động lực lượng công nhân, kỹ sư điện từ các đơn vị xây lắp điện trên địa bàn tỉnh đến hỗ trợ để rút ngắn thời gian khôi phục.

“Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do có nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt giao thông nên thợ điện không thể tiếp cận. Chúng tôi đang tập trung toàn bộ nhân lực, vật tư để cấp điện trở lại nhanh nhất, đặc biệt ưu tiên các phụ tải trọng yếu như UBND tỉnh, bệnh viện, Đài truyền hình” - ông Trung cho hay.

Tỉnh Khánh Hòa cũng nằm trong tâm bão nên hệ thống điện bị thiệt hại nặng nề. Khi bão đổ bộ, Công ty đã sa thải toàn bộ phụ tải để đảm bảo an toàn điện. Bão đi qua, toàn bộ lực lượng của đơn vị đã ra quân triển khai công tác khắc phục sự cố.

"Hiện trung tâm thành phố Nha Trang đã được cấp điện trở lại”- ông Nguyễn Cao Ký, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện lực Khánh Hòa cho hay. Tại các khu vực khác trên địa bàn tỉnh, PC Khánh Hòa cũng đang tranh thủ từng giây từng phút để kiểm đếm và tiến hành sửa chữa.

Tại Bình Định, theo ông Nguyễn Bình - Trưởng phòng Điều độ PC Bình Định, có 54/87 xuất tuyến bị bão Damrey gây sự cố. Khoảng 65% khách hàng trên toàn tỉnh bị mất điện. Công ty Điện lực Bình Định đã huy động khoảng 400 người tham gia khắc phục sự cố. Tới 3 giờ chiều nay, thành phố Quy Nhơn và hầu hết trung tâm thị trấn trên địa bàn tỉnh (trừ thị trấn An Lão) đã được cấp điện trở lại.

Cập nhật từ Ban Chỉ huy PCTT & TKCN EVN, đến hết ngày 5.11, ngành điện đã khôi phục vận hành được 7/10 trạm biến áp 110 kV và 11/14 đường dây 110 kV bị ảnh hưởng do bão; còn lại 3 trạm và 3 đường dây 110 kV đang nỗ lực xử lý đều thuộc tỉnh Khánh Hòa...

CLIP: Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về xuôi tại 1 nhánh sông Trà Bồng, qua thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi (nguồn Báo Quảng Ngãi)

EVNCPC điều động thợ điện các tỉnh lân cận đến hỗ trợ khắc phục sự cố

Theo ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc EVNCPC, Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN EVNCP, mức độ thiệt hại trên lưới điện các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên là vô cùng nghiêm trọng.

EVNCPC đã điều động các đội xung kích gồm những công nhân điện tinh nhuệ từ Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Công ty Điện lực Gia Lai, các chi nhánh Điện cao thế Gia Lai, Bình Định của Công ty Lưới điện Cao thế miền Trung cùng vật tư, thiết bị điện khẩn trương tới hỗ trợ PC Phú Yên, PC Khánh Hòa khắc phục sự cố do bão.

Tổng số 182 thợ điện từ các đơn vị được huy động, cùng với 17 xe chở người, 3 xe bán tải, 7 xe nâng, 6 xe "3 trong 1", 5 xe cẩu tải đã có mặt tại hiện trường công tác để phối hợp với nhân lực của các công ty điện lực Khánh Hòa, Phú Yên xử lý sự cố do bão số 12 gây ra.

11 đơn vị được Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) huy động gồm các công ty điện lực: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Bình Định và 3 Chi nhánh điện cao thế Đà Nẵng, Đăk Lăk, Bình Định.

Tổng công ty sẽ xem xét điều động thêm lực lượng xung kích tới 2 tỉnh để đảm bảo khôi phục cấp điện an toàn trở lại trong thời gian sớm nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem