Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước
Sáng 1.12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 đã tiếp xúc với cử tri các quận: 1, 3, 4 (TP.HCM).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời cử tri về vụ bạo hành trẻ em. Ảnh: Hồ Văn
Trả lời ý kiến chất vấn của các cử tri về nạn bạo hành trẻ em, ông nhấn mạnh rằng đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, khiến xã hội vô cùng bức xúc.
“Ở Hà Nam thì tung đứa trẻ 1 tháng tuổi lên cao, rồi bạo hành bằng que sắt nung đỏ ở Kiên Giang. Ở TP.HCM thì sự việc của Mầm Xanh, ở Thanh Hóa thì sát hại trẻ 20 ngày tuổi. Không biết họ có còn là con người nữa không, còn nhân tính nữa hay không, tại sao lại làm như thế?”, Chủ tịch nước bức xúc nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh rằng, toàn xã hội phải quan tâm đến vấn đề này. Với tư cách là Chủ tịch nước, ông đã yêu cầu các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, rà soát lại những biện pháp để chấn chỉnh ngay.
“Trước mắt phải điều tra xử lý nghiêm, đủ mức răn đe những đối tượng có hành vi bạo hành, xâm hại đến trẻ em”, Chủ tịch nước nói và yêu cầu phải điều tra xét xử nhanh, không để kéo dài làm “chìm xuồng” vụ việc.
Theo ông, trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, đất nước sau này có nguồn nhân lực tốt để phát triển hay không là nhờ vào các thế hệ này.
“Chúng ta không chăm sóc tốt thì làm sao có nguồn nhân lực. Đầu tư cho tương lai là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông yêu cầu các cơ quan chức năng phải hành động liên tục, mạnh mẽ hơn chứ “không phải thấy nổi lên thì làm một vài việc rồi sau đó lại rơi vào quên lãng”.
“Chúng ta phải lên án mạnh mẽ các hành vi xâm hại đến trẻ em. Phải xử lý nghiêm người vi phạm để gióng lên hồi chuông, không để các hành vi này tái diễn”, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Hậu quả cuối cùng trẻ nhỏ phải gánh chịu
Trước đó tại phần chất vấn, cử tri Mai Thị Ngọc Thúy (quận 4) chia sẻ rằng “chưa bao giờ sự an toàn của những người chủ tương lai của đất nước lại bị đe dọa như hiện nay”.
Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri tại TP.HCM sáng 1.12. Ảnh: Hồ Văn
Theo bà Thúy, các phụ huynh hiện đang đối mặt với hàng loạt nỗi lo, từ bị trao nhầm trẻ sơ sinh ở bệnh viện đến tiêm nhầm thuốc khi khám bệnh, cho con đi học thì sợ bị bạo hành, đi chơi sợ bị bắt cóc...
Dẫn ra nhiều vụ việc, bà Thúy cho rằng dù Nhà nước đã có giải pháp nhưng chưa thật sự hiệu quả, còn yếu kém trong quản lý, buông lỏng kiểm tra, cho phép các cơ sở thành lập khi chưa đủ điều kiện. Từ những hạn chế trên đã nảy sinh hàng loạt vấn đề, cuối cùng trẻ nhỏ và phụ huynh là người gánh chịu hậu quả.
“Tôi rất đau lòng khi chứng kiến các cô bảo mẫu dùng muôi, đồ vật, thậm chí là dao để uy hiếp các cháu”, bà Thúy nói.
Cử tri Thúy nhận định đây chưa phải là sự việc cuối cùng, do vậy các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành giáo dục và chính quyền các quận, huyện cần siết chặt điều kiện mở trường lớp, xử lý nghiêm các đối tượng gây ra bạo hành trẻ để ngăn chặn những “mầm mống” này tiếp tục nảy sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.