Chủ tịch nước: Vụ Đồng Tâm hay Formosa là những bài học đắt giá

Hồ Văn Thứ tư, ngày 26/04/2017 18:02 PM (GMT+7)
Trước khi trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: Quản lý nhà nước, xã hội bằng pháp luật, pháp luật là thượng tôn. Chính vì thế Quốc hội lần này cần thảo luận các vấn đề này. Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra… là sợi chỉ xuyên suốt.
Bình luận 0

Chiều 26.4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội tiếp tục tiếp xúc với cử tri quận 1, 3, và quận 4 tại TP.HCM.

Lấy dân làm gốc

Chủ tịch nước cho biết, nhiều cử tri đã có những ý kiến đóng góp rất quan trọng, rất hữu ích.

img

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Tuấn

Chia sẻ với cử tri về vấn đề bảo vệ môi trường, Chủ tịch nước nói, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ.

"Những sự cố vừa qua như Formosa cho chúng ta bài học rất đắt giá. Môi trường liên quan đến vấn đề sống còn của chúng ta nên Đảng, Nhà nước rất quan tâm, không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào, xây dựng và phát triển cần cân nhắc, lựa chọn phát triển nhanh, bền vững, không ảnh hưởng môi trường. Nhiều dự án Chính phủ phải dừng vì đánh giá chưa đầy đủ tác động của môi trường”.

Chia sẻ về vụ dân bức xúc ở xã Đồng Tâm (Hà Nội), Chủ tịch nước cho rằng cần phải hiểu rõ nguyên nhân, để từ đó có biện pháp giải quyết có tình có lý.

“Phải biết lắng nghe dân, hiểu dân đồng thời cũng giải thích cho dân hiểu các chính sách của nhà nước. Giữ kỷ cương phép nước nhưng phải mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến dân, cùng nhau đồng thuận… thì sẽ hạn chế được những vụ như  thế này", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.

Về dự thảo Luật biểu tình, Chủ tịch nước cho biết đã giao các cơ quan chức năng soạn thảo: "Đây là bộ luật lớn, có nhiều vấn đề nhạy cảm… nên chưa đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua lần này. Chúng ta coi trọng việc này nhưng vì chất lượng của luật nên cần có thời gian. Về Luật phòng chống tham nhũng, kỳ họp lần này cũng sẽ bàn thảo nhiều". 

Theo Chủ tịch nước, liên quan đến đất đai là bộ luật quan trọng, nhiều vấn đề xảy ra tranh chấp… cần sớm sửa đổi bổ sung và cũng nằm trong chương trình của Quốc hội lần này.

Chủ tịch nước nhận định, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông là vấn đề toàn cầu, nhiều nước cũng là có vấn nạn này.

"Nhà nước đang tìm các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Giải quyết vỉa hè cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, quyết tâm làm rồi thì cần duy trì, không đầu voi đuôi chuột. Hạn chế xe máy, cấm xe máy cũng coi như là một giải pháp, cần nghiên cứu xem khả thi thì làm và có lộ trình cụ thể. Không phải nói cấm là cấm ngay được" - Chủ tịch nước nói.

Cử tri quan tâm đến vụ Formosa, Đồng Tâm

Trước đó, nhiều cử tri đã có ý kiến phát biểu về nhiều vấn đề và kiến nghị Chủ tịch nước trình Quốc hội thảo luận.

Ông Nguyễn Hữu Châu, cử tri quận 3 có những phát biểu và kiến nghị rất sát với thời sự nóng thời gian qua. "Vụ Đồng Tâm, nếu không có lãnh đạo Hà Nội xuống đối thoại thì biết bao giờ tiếng nói người dân được lắng nghe. Đây là thể hiện dân biết, dân bàn, dân giám sát, là tiếng nói thể hiện dân chủ. Vụ này cho thấy lợi ích dự án đang xung đột với đời sống của người dân địa phương, cho thấy có lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ không chấp hành kỷ cương, pháp luật” - ông Châu nói.

img

Các cử tri phát biểu nói lên tâm tư nguyện vọng tại buổi tiếp xúc.

Vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường, dự án thép Cà Ná bị dừng do các phản biện, dư luận bức xúc... là dẫn chứng cho thấy QH cần tăng cường giám sát các dự án lớn, không để xảy ra những điều đáng tiếc, đảm bảo lợi ích lâu dài của đất nước, của nhân dân.

Việc đảm bảo trật tự lòng lề đường đang trở thành phong trào khắp nơi là điều đáng mừng. Nhưng mục đích cuối cùng của việc này là người dân được hưởng lợi, một số nơi làm quá nóng vội, gây bức xúc không đáng có.

“Tôi đề nghị lãnh đạo Trung ương cũng như địa phương phải có những bước làm thích hợp, xây dựng thành mô hình nhân rộng để việc này hoàn chỉnh hơn” - ông Châu kiến nghị.

Ông Châu cũng đề nghị chưa nên cấm xe gắn máy vì theo ông, ngân sách chưa đủ để hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, chưa có ô tô giá rẻ cho người dân mua và "không nên nóng vội như kiểu học sinh học tiểu học vài năm bắt nhảy lên học đại học".

Còn cử tri Lê Minh (quận 1) cho rằng: Luật nhiều nhưng chưa đủ. Ví dụ, cử tri mong có luật biểu tình, nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Cần xây dựng chặt chẽ để quản lý, không để xảy ra bùng nhùng như thời gian qua.

Ông Minh cũng nêu ra, Luật phòng chống tham nhũng (PCTN), còn quá nhiều kẽ hở có thể bị lợi dụng để lách luật, cần làm chặt chẽ hơn, tính hiệu lực cao hơn.

Vấn đề giảm biên chế, ông Minh cho biết đã phát biểu nhiều lần, nhiều năm… vẫn chưa thấy hiệu quả. Nó manh mún, cồng kềnh từ trung ương đến địa phương… chi phí công tăng lên, kìm hãm sự phát triển.

Ông Minh đặt vấn đề, hạn chế xe máy là rất nên làm nhưng tại sao hiện nay dân quay lưng với xe buýt? Phải nghiên cứu từng bước phù hợp, có làn cho xe buýt, như vậy dân mới hoan nghênh phương tiện công cộng.

Có cử tri đề nghị lưu tâm về an toàn thực phẩm, các biện pháp hạn chế được việc rau, củ quả… trồng tràn lan không có đầu ra lại đổ cho heo bò ăn, hiều nơi trồng chuối, dưa cũng phải đổ bỏ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem