Chiều 22.2, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với 322 chủ tịch phường-xã và thị trấn trên địa bàn.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết cuộc gặp hôm nay rất chất lượng qua nội dung phát biểu của các chủ tịch phường-xã, thị trấn. Các đại biểu đã đề cập nhiều vấn đề mà thành phố đang quan tâm. Lãnh đạo cơ sở nhận thức được sâu sắc nhiều vấn đề như trật tự lòng lề đường, tiếp dân, quản lý đô thị, sáng kiến… gắn với địa bàn cấp cơ sở.
Lãnh đạo UBND TP.HCM lắng nghe và trao đổi ý kiến với 322 chủ tịch phường-xã, thị trấn. Ảnh: Hồ Văn
“Tôi thấy buổi gặp gỡ thể hiện được tinh thần tận tụy, năng động và sáng tạo của đội ngũ chủ tịch các xã, phường và thị trấn. Các đồng chí là công sự đắc lực của lãnh đạo thành phố”, ông Phong nói.
Đối thoại với các chủ tịch phường-xã, thị trấn, ông Phong đã giãi bày nhiều vấn đề. Về cung cấp nước sạch, ông Phong cho rằng đừng tự hài lòng về chỉ tiêu, cơ bản 100% theo chỉ tiêu nhưng cần kiểm tra lại tỷ lệ sử dụng, đâu là vấn đề mấu chốt.
Về chủ trương dọn dẹp trật tự lòng lề đường, ông Phong cho biết nói phải đi đôi với làm. Dù dọn dẹp trật tự vỉa hè, lòng đường là kiên trì, lâu dài nhưng phải làm quyết liệt, không được buông lỏng.
“Có ý kiến đề nghị nên phát huy sáng kiến người đứng đầu, tôi cho rằng đó là cần thiết vì nó nảy sinh từ kinh nghiệm thực tiễn”, ông Phong khuyến khích.
Cũng theo ông Phong, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố ngày càng tăng tưởng nhanh, bền vững có sự đóng góp đắc lực của các cấp cơ sở, mà cụ thể là 322 chủ tịch phường-xã, thị trấn dự họp hôm nay.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng đánh giá cao các ý kiến cũng như kiến nghị của các chủ tịch phường-xã, thị trấn.
Nói với các chủ tịch cấp cơ sở, ông Tuyến cho rằng TP.HCM đã và đang triển khai kế hoạch nâng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. “ Tăng thu nhập chứ không phải tăng lương và không quá 1,8 lần so với lương, tăng ba lần cho đến năm 2020 cán mốc 1,8 lần. Tăng từ nguồn tiết kiệm và nguồn thu của thành phố”, ông Tuyến cho biết.
Theo ông Tuyến, thành phố cũng đang triển khai xây dựng đô thị thông minh. Mục tiêu lớn nhất của đô thị thông minh là phát triển nhanh, bền vững và kết nối tốt giữa chính quyền với người dân. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Ông Tuyến cũng cảnh báo, tình trạng xây dựng sai phép nhiều, phải tuyên truyền người dân tuân thủ pháp luật, hạn chế tiêu cực trong vấn đề này, như tình trạng chạy để hợp thức hóa sai phạm.
322 chủ tịch phường-xã, thị trấn tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Hồ Văn
Trước đó, phát biểu và kiến nghị cùng lãnh đạo thành phố nhiều chủ tịch phường-xã, thị trấn nêu nhiều ý kiến bức xúc về kẹt xe, ngập nước, về khó khăn trong các giải pháp giải tỏa lòng lề đường, vỉa hè...
Một số ý kiến phê bình thành phố nhiều chủ trương đề ra nhưng không triển khai một cách cụ thể về tận phường-xã, thị trấn, gây khó khăn trong thực hiện hóa chủ trương. Chẳng hạn như “7 chương trình đột phá” của thành phố chưa triển khai cụ thể cho cơ sở.
Bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch phường Đa Kao, quận 1: "Dọn dẹp trật tự vỉa hè lòng lề đường phải kiên trì, lâu dài và có giải pháp căn cơ". Ảnh: Hồ Văn.
Một số chủ tịch phường còn chia sẻ, để giảm được bức xúc người dân thì người đứng đầu phải học hỏi và thấu hiểu người dân. “Người đứng đầu phải thường xuyên tiếp công dân sẽ hiểu dân. Có phường còn chia sẻ sáng kiến phát hành móc khóa có tên và điện thoại của người đứng đầu về tận nhà dân, sau khi thực hiện cái này thì dân điện thoại tố giác trực tiếp lên người đứng đầu phường ngày càng nhiều", vị này nói.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng người cho cấp cơ sở, tăng phụ cấp thu nhập tương xứng với công việc mà cán bộ cấp cơ sở đang làm.
Theo báo cáo của TP.HCM, trong số 322 chủ tịch UBND phường-xã, thị trấn, có 85 là nữ, chiếm 26,4%. Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, phường-xã, thị trấn là tuyến cơ sở gần dân nhất, hiểu dân và là tuyến có khối lượng công việc lớn nhất, hầu hết công tác tổ chức thực hiện đều do tuyến này đảm nhiệm. Vẫn còn một số ít cán bộ lâu năm dù có kinh nghiệm thực tiễn nhưng trình độ chuyên môn không đáp ứng do không có điều kiện học hành để hoàn thiện, không áp dụng được công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Số lượng cán bộ, công chức tại tuyến phường-xã, thị trấn còn mỏng, địa bàn lớn nên cán bộ phải choàng gánh nhiều việc khiến tiến độ thực hiện nhiệm vụ còn chậm so với yêu cầu.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.