Quách Ngàn Vỹ là chàng trai Đài Loan trắng trẻo thư sinh, nhanh nhẹn, sôi nổi, con một gia đình khá giả, sang Việt Nam làm thạc sĩ ngành Việt Nam học từ năm 2011. Anh nói tiếng Việt tốt và có vẻ ngoài như một người Việt. Bố của Wei (tên thân mật tiếng Việt của Vỹ) - ông Quách Minh Huy - là một nhà sưu tầm tranh nổi tiếng có gallery cá nhân.
Vỹ sang Anh quốc tu nghiệp môn lịch sử, tốt nghiệp xong, anh chọn Việt Nam là nơi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ. Nhà có hai chị em, chị gái học ở Mỹ rồi ở lại đi làm nên khi Vỹ sang Việt Nam thì bố mẹ Vỹ rất lo và thương con, thường sang chơi và thăm con ở Hà Nội.
Gia đình hạnh phúc của Vỹ và Huệ
Tại thủ đô, Vỹ đã “nhập thân” thành một chàng trai Hà Nội chính gốc, anh có nhiều bạn là nghệ sĩ, hoạ sĩ, đồng nghiệp cả nam lẫn nữ. Tháng 5.2013, Vỹ đáng ra phải có một chuyến đi thực tập ở cao nguyên đá Đồng Văn cùng đồng nghiệp, nhưng anh về phép Đài Loan nên xin các thầy cho lùi thực tập đến tháng 10 cùng năm.
Tháng 10, chuyến xe buýt đưa Vỹ và các bạn lên cao nguyên đá Đồng Văn (hà Giang) làm công tác khảo sát thực địa cho môn học. Đã lâu biết tiếng cao nguyên cổ xưa nay, vốn là danh lam thắng cảnh của Việt Nam mới được UNESCO tặng danh hiệu di sản văn hoá nên anh rất thích.
Ngũ Bích Huệ, sinh năm 1991 là cô gái dân tộc Bố Y, có dáng người mảnh dẻ, cao ráo, nước da trắng hồng mịn màng của con gái vùng cao và gương mặt thanh tú. Huệ vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và chân ướt chân ráo về nhận công tác tại Công viên cao nguyên đá Đồng Văn.
Khi xe của Vỹ đến cao nguyên đá, vào cái ngày duyên nợ đó, người hướng dẫn viên du lịch bỗng nhiên bị ốm nên không đưa khách đi tham quan được. Huệ, vốn không có nhiệm vụ làm hướng dẫn viên, nhưng hết người nên giám đốc gọi cô ra đi thay.
Huệ nhớ lại: “Công việc đơn giản thôi. Cứ ngồi lên xe đi cùng các anh ấy vào khu di tích. Nếu ai hỏi thì trả lời còn đa phần khách tự xem và tìm hiểu lấy”.
Vỹ mỉm cười nói đùa: “Hôm đó, Huệ vẫn chưa biết Vỹ là ai trong đám 30 thanh niên ồn ào, sôi nổi, trẻ trung ấy...”.
Hôm sau đoàn đi tiếp xuống các xã vùng sâu để nghiên cứu phong tục tập quán một số dân tộc ít người. Thầy giáo trưởng đoàn thấy Huệ có vẻ nhanh nhẹn, tháo vát nên ông đề nghị giám đốc Công viên cao nguyên đá cho “mượn” cô để đi tiếp khách cùng đoàn.
Gia đình chúc phúc cho đôi trẻ.
Chuyến đi hôm sau, “cô hướng dẫn viên du lịch” Ngũ Bích Huệ vốn không quen đi đường xa và xóc nên xe chạy được một đoạn thì say. Cô lùi xuống cuối xe, ngồi tạm vào một ghế còn trống và bất ngờ nôn thốc tháo... vào một chàng trai ngồi ghế bên cạnh.
Vỹ giật mình nhưng thấy trước mặt mình là một cô gái xinh xắn nên sẵn sàng giúp đỡ người đẹp lúc hoạn nạn. Anh săn sóc cô và thậm chí còn chìa vai để nàng gục đầu.
Chia tay sau chuyến đi dài ngày, hai người xin số điện thoại của nhau và thường xuyên nhắn tin trao đổi, hỏi thăm, động viên nhau công tác. Khoảng cách 300km giữa Đồng Văn và Hà Nội dường như không còn xa. Ngày nào họ cũng có thể nghe được giọng nói ấm áp của “người ấy” qua sóng điện thoại với một niềm vui khó tả.
“Khi nào em thấy nhớ anh ấy thì lại gọi điện thoại nói chuyện, hoặc Vỹ chủ động gọi cho em”, Hụê nói.
4 tuần sau lần quen biết, Huệ có công việc về Hà Nội. Tới nơi, gọi cho Vỹ thì Huệ biết Vỹ đang ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Hơi buồn vì không gặp được Vỹ nhưng niềm vui đã quay trở lại.
Vỹ bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội khi biết cô “hướng dẫn viên du lịch” đang ở đây. Thế rồi tình yêu đến lúc nào chẳng rõ.
Mắt lóng lánh, Huệ cười hồn nhiên: “Mỗi lần lên Hà Nội thăm người yêu, em lại mang theo người một chai rượu ngon làm quà cho anh ấy. Vì nhà em có cửa hàng bán rượu tại thị trấn Quản Bạ mà...”.
Những chuyến đi lại giữa Hà Nội và Đồng Văn đã làm cho họ gần nhau, hiểu nhau hơn và nếm trải sự ngọt ngào của tình yêu đôi lứa. Càng xa nhau nên men say càng nồng.
Kết cục phải đến thì sẽ đến, Huệ có thai. Vỹ kể: “Bọn em sợ quá. Cái thai lớn từng ngày. Thầy giáo của em biết chuyện, khuyên em “cứ nói thật với bố mẹ”. Thế là cả hai quyết định báo cho hai gia đình biết”.
“Khi biết tin ông bố cậu phản ứng thế nào?”, tôi hỏi.
“Mới đầu bố em bị sốc lắm. Ông ấy lo lắm vì không biết con dâu tương lai là người thế nào. Ông tức tốc bay sang ngay. Lên Đồng Văn gặp Huệ ông ấy thấy quý và đổi giận làm vui. Rồi đến khi biết con dâu tương lai đã có thai đôi thì ông ấy càng mừng... Nhớ nhất là lần em đưa bố về thăm quê nội của người yêu. Đó là xã Bản Thăng, xã cuối cùng của Quản Bạ nằm sát biên giới Việt Trung. Anh hãy nhìn lên bản đồ đi, cái mẩu bé tí như hạt đỗ nằm hơi nhô ra trên địa phận Hà Giang về phía Trung Quốc là xã Bản Thăng, là địa đầu đấy, xa lắm. Hai bố con đi xe buýt, rồi chuyển đi xe ôm, và cuối cùng đi bộ gần 5km xuyên rừng, xắn quần lội qua suối mới tới”, Vỹ kể.
“Thế còn phía nhà Huệ, ý kiến mọi người về tin sét đánh này?”, tôi hỏi Huệ. Huệ cười: “Tất nhiên là các cụ bực mình rồi. Sau khi gặp anh Vỹ, biết con người thật của anh thì nhà em cũng nguôi ngoai, đến khi bố anh ấy đi từ Đài Loan sang gặp họ hàng nhà em thì ai nấy thở phào. Duy chỉ có một “chướng ngại vật” là mẹ em. Bà là hiệu trưởng một trường tiểu học nên tính rất nghiêm khắc. Mẹ em không nói thẳng ra nhưng thái độ không vui và thở ngắn than dài. Em không biết giải thích ra sao cho mẹ”, Huệ nói.
“Rồi làm sao mà tổ chức được đám cưới?”, tôi hỏi tiếp.
Chàng trai Đài Loan cười đỡ lời: “Có một sự ngẫu nhiên thú vị và khó lý giải. Dường như ông trời cũng đứng về phía vợ chồng em. Trưa hôm đó, bố em từ Đài Loan bay sang Hà Nội rồi lên đường gặp nhà gái để nói chuyện, vô tình em và các bạn đồng nghiệp có tổ chức một cuộc triển lãm tranh cho thiếu nhi tại 1 phòng tranh ở Mỹ Đình. Đó là tháng 3.2014, VTV3 phỏng vấn bố em với tư cách là nhà phê bình lý luận về hội hoạ. Tối hôm sau khi cả nhà gái đang quây quần tổ chức tiếp đón bố thì bỗng nhiên trên màn hình tivi chiếu cảnh bố em đang trả lời phỏng vấn. Xem cảnh đó, mẹ Huệ dường như trút được gánh nặng và đổi giận thành vui. Bà đồng ý cho cưới. Thế là ngày giờ đính hôn được chọn ngay trong tối hôm đó”.
Đám cưới của Quách Ngạn Vỹ và Ngũ Bích Huệ được tổ chức vào một ngày đẹp trời của tháng 5.2014 theo đúng phong tục của người Bố Y. Bên nhà trai cử đến một phái đoàn rầm rộ gồm bố mẹ, chú, bác Vỹ từ Đài Loan sang, chị gái từ Mỹ bay về. Họ đã chạm cốc linh đình để chúc phúc cho đôi trẻ. Vỹ bảo: “Ở trên ấy, đám cưới to lắm, mời rượu liên tục nhưng bố mẹ em uống cũng tốt, mời bao nhiêu cũng chịu trận được hết”.
Sau đám cưới, họ có với nhau hai bé gái sinh đôi. Huệ đem con gái về Đài Loan thăm bố mẹ chồng rồi cô lại quay về Quản Bạ sinh sống, còn chàng trai Đài Loan đã xây một ngôi nhà nhỏ chung sống với vợ ở Hà Giang.
Chúng tôi lên thăm vợ chồng Vỹ vào một ngày cuối đông sát tết Mậu Tuất, rừng núi nở hoa thơm ngào ngạt. Vỹ cho biết, hiện tại anh đang thu mua chè của người dân trên miền núi, chế biến rồi xuất sang Vân Nam (Trung Quốc) và Đài Loan.
Theo Vỹ, ở Trung Quốc có loại chè Phổ Nhĩ giá rất đắt và được ưa dùng. Gần đây, chè Phổ Nhĩ bị làm nhái và phun thuốc trừ sâu. Chè San Tuyết của vùng núi Hà Giang có hương vị giống như vậy nên có thể xuất sang nước ngoài. Hơn nữa, đây là loại chè sạch trên núi nên Trung Quốc và Đài Loan thích dùng. Hàng năm Vỹ thu mùa và xuất sang nước ngoài hàng trăm tấn chè.
Vỹ nói: “Tôi mong rằng trong năm mới sẽ tìm được nhiều nơi xuất khẩu chè để có thể giúp đỡ thêm cho người dân vùng núi”.
Có một ngẫu nhiên thú vị là vào tháng 8.2013, khi báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức nấu cơm cho bệnh nhân Bệnh viện K, cả 2 cha con ông Quách Minh Huy đều đến tham gia nấu cơm và cùng vào phát cơm tại bệnh viện với các phóng viên của báo. Ông Huy và anh Vỹ đã nhiều lần theo đoàn từ thiện của báo đi đến các vùng xa xôi. Ông Huy cũng tài trợ cho một dự án tên là “Ngôi sao trên núi” (xuất phát từ ý tưởng của ông) nhằm dạy hội hoạ miễn phí cho các trẻ vùng cao của huyện Quản Bạ tại 3 điểm trường: xã Quản Bạ, xã Đông Hà, xã Quyết Tiến. Dự án đã được triển khai với sự tham gia của hàng chục hoạ sĩ trẻ đến từ Hà Nội.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.