Báo chí đã có cuộc trao đổi với cư sỹ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ, Phó trưởng Ban thường trực Ban Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về vấn đề này.
|
Cư sỹ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ, |
Thưa cư sỹ, ông đánh giá như thế nào về những hiện tượng những người khoác áo tu hành có những hành vi khiến dư luận bức xúc như vừa rồi?
Trước hết, ta phải khẳng định rằng người có tướng mạo, có y phục như người tu hành thì không hẳn đó là người tu hành. Đáng tiếc là hành động của vị “tu sỹ” giả mạo này đã lại khiến dư luận hiểu lầm về những người tu hành thật và còn làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tất nhiên chúng ta đều biết là thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế, luôn có những người tốt và chưa tốt; những việc đúng và chưa đúng, không chỉ riêng với Đạo Phật, với Giáo hội mà ở trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Cá nhân tôi, tôi vẫn tin là những người tốt với những việc làm tốt cống hiến tích cực cho Đạo pháp và dân tộc vẫn đang là một số rất đông.
Như vậy có nghĩa là vẫn còn những người xấu với những việc làm xấu? Và trong những trường hợp đó, Giáo hội có phản ứng như thế nào?
Đứng trước pháp luật thì tu sỹ cũng như mọi công dân khác, đều bình đẳng. Nếu tu sỹ có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử theo pháp luật, Giáo hội không can thiệp và cũng không thể can thiệp vào việc xử lý này. Giáo hội chắc chắn không ủng hộ và không bênh vực những việc làm sai trái.
Còn về giới luật của nhà Phật, thì luật Tứ Phần có 250 giới dành cho chư tăng, chia làm 3 loại: Loại 1 nặng nhất là những giới điều mà phạm vào thì sẽ mất tư cách tỳ kheo, ngay cả sám hối hay giải tội cũng không cứu vãn được;
Loại thứ hai bao gồm những giới điều mà phạm vào thì tư cách tỳ kheo chỉ còn một phần, phải được cử tội, xử tội và giải tội bởi ít nhất 20 vị tỳ kheo thì mới mong cứu vãn; Loại thứ ba nhẹ nhất bao gồm những giới điều chỉ cần được cử tội, xử tội và giải tội bởi từ 1 đến 10 vị tỳ kheo là tư cách tỳ kheo có thể được cứu vãn.
Nói sơ qua như thế để chúng ta cùng thấy giới luật của đạo Phật từ xa xưa đã có những quy định rất cụ thể, chi tiết và nghiêm minh về những điều mà tỳ kheo giới không được làm.
Đối với thời hiện tại, các cấp của GHPGVN đang thảo luận sửa đổi Hiến chương GHPGVN để trình lên Đại hội đại biểu toàn quốc GHPGVN lần thứ VII dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay, trong đó, dự kiến sẽ bổ sung một số điều để việc giám sát, kiểm tra về tư cách tỳ kheo được chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN cũng sẽ đưa ra những quy định cụ thể và chi tiết để xử lý những trường hợp vi phạm luật pháp và luật Phật đối với cá nhân và thậm chí các nhóm. Tuy nhiên, vẫn cần phải nói rõ ràng là GHPGVN chỉ có thể xử lý các cá nhân hay nhóm trong trường hợp cá nhân hay nhóm đó là thành viên chính thức của GHPGVN.
Vậy người như thế nào mới được coi là thành viên chính thức của GHPGVN và thuộc quyền quản lý của GHPGVN?
Thành viên của GHPGVN bao gồm những người tu hành xuất gia (tăng, ni) và những người tu hành tại gia (cư sỹ), có đơn gia nhập GHPGVN và chấp nhận Hiến chương GHPGVN.
Các tăng ni khi xuất gia phải tuân thủ các quy định về xuất gia nêu trong bản nội quy của Ban Tăng sự Trung ương; theo quy định của điều 21 chương III Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo và điều 22 mục 2 chương IV Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ; được Ban Tăng sự cấp Tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia theo mẫu do Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN ban hành; Họ còn phải thọ giới và được cấp chứng điệp thọ giới Đại giới hành trụ.
Đối với người tu hành tại gia (cư sỹ) thì sau khi làm lễ quy y tam bảo tại một cơ sở có vị trụ trì là thành viên GHPGVN, họ còn cần tham gia vào các hoạt động của các ban, viện.. của GHPGVN hoặc các đơn vị thuộc Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, huyện. Những người đó cũng được coi là thành viên chính thức của GHPGVN.
Dư luận vẫn cho rằng Giáo hội vẫn chưa thật sự nghiêm khắc trong việc xử lý những trường hợp vi phạm của các thành viên. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không nghĩ rằng những quy định của Luật Phật chế có từ thời Đức Phật, hay những quy định sau này với các vị tỳ kheo là không nghiêm. Với sự hiểu biết của mình còn hạn chế, tôi vẫn thấy rằng những điều Phật dạy rất nghiêm khắc đối với các vị tì kheo. Phật dạy từ cách đi, đứng, nằm ngồi, giao tiếp… cho đến ăn, nói, ngủ, nghỉ…
Người tu theo đạo Phật còn là người tự giác tu hành nên phải tự rèn cho mình tính kỷ luật cao để thực hiện những điều đúng đắn. Nếu không sẽ rất khó tu hành công phu để đạt đủ Phước Tuệ. Do đó, đây cũng có thể là một điểm mà GHPGVN cho đến nay vẫn chưa đề ra những điều mà trong đời gọi là “chế tài” một cách nghiêm khắc. Nhưng có thể còn bởi một lẽ nữa là người đã xuất gia, tu hành mà không giữ được Giới để đạt được sự chứng đắc (thành đạt) thì như vậy cũng đã là một thiệt thòi rất lớn cho người đó rồi.
Tuy vậy, thưa ông, GHPGVN cũng đã nhận ra được điểm hạn chế này. Như tôi đã nói ở trên, dự thảo Hiến chương sửa đổi và những quy định bổ sung sẽ tăng cường hơn nữa vai trò kiểm tra, giám sát của Giáo hội, đồng thời còn ban hành kèm theo một số văn bản quy định về hình thức kỷ luật để xử lý những trường hợp vi phạm, sai phạm.
Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản ánh từ tăng ni, Phật tử nói riêng và dư luận nói chung về những hành vi vi phạm gây tổn hại đến uy tín và hình ảnh của GHPGVN để Giáo hội nắm được và xử lý trong thẩm quyền của mình. Trong những trường hợp vượt quá thẩm quyền, GHPGVN sẽ đề nghị các cơ quan chức năng cùng xem xét, phối hợp và hỗ trợ giải quyết.
Cuối cùng, không phải với tư cách Phó Ban thường trực Ban Truyền thông GHPGVN, mà với tư cách cá nhân, ông có muốn nói điều gì nữa liên quan tới vấn đề này hay không?
Thưa ông, có! Điều tôi rất muốn nói là chúng ta nên thận trọng. Hiện tượng giả mạo nhà sư có từ thời Đức Phật tại thế và cho đến thời nay vẫn còn tồn tại. Khi đề cập đến hiện tượng này, những người làm báo như chúng ta cần hết sức thận trọng, cần điều tra kỹ lưỡng để tránh nhầm lẫn, gây tổn hại đến uy tín chung của GHPGVN và uy tín riêng của những người tu hành.
Xin cảm ơn ông.
Theo An ninh Thế giới
Vui lòng nhập nội dung bình luận.