Đại biểu QH Phan Thị Mỹ Thanh sẽ bị bãi nhiệm theo quy trình nào?

Lương Kết Thứ bảy, ngày 05/05/2018 10:09 AM (GMT+7)
Theo một vị Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội có hai trường hợp, thứ nhất do Quốc hội bãi nhiệm, thứ hai là cử tri bãi nhiệm. Trường hợp của đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai) sẽ do Quốc hội bãi nhiệm.
Bình luận 0

img

Bà Phan Thị Mỹ Thanh trong lần trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội (ảnh IT).

Như Dân Việt thông tin, hôm qua (4.5), Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với Dân Việt, một vị Phó Ban Công tác đại biểu cho biết, quy trình thủ tục để xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh sẽ được thực hiện từ các cơ quan ban ngành ở địa phương sau đó trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cơ quan này xem xét và cho ý kiến.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đọc bản đề nghị bãi nhiệm đại biểu, sau đó Ban Công tác đại biểu sẽ trình bày tất cả hồ sơ liên quan đến đại biểu và nêu lý do đề nghị bãi nhiệm. Tiếp đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận và Chủ tịch Quốc hội kết luận. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội đề nghị bãi nhiệm. Theo quy định tại Điều 40 của Luật tổ chức Quốc hội, trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Vẫn theo vị Phó Ban Công tác đại biểu, một vị đại biểu Quốc hội có những vi phạm, khuyết điểm không còn xứng dáng sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh sẽ do Quốc hội bãi nhiệm.

PV đặt câu hỏi: Bà Thanh sẽ bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 tới (dự kiến diễn ra từ 21.5 đến 14.6), vị Phó Ban Công tác đại biểu cho biết thêm, hiện các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ để tiến hành bãi nhiệm. Với tinh thần và quyết tâm như hiện nay nhiều khả năng kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới đây sẽ tiến hành bãi nhiệm đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Trước đó tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có bà Châu Thị Thu Nga bị Quốc hội bãi nhiệm (bà Nga hiện đã lĩnh án tù chung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến bị Quốc hội bãi nhiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem