NTNN đã có cuộc có cuộc trao đổi với PGS-TS Ngô Trí Long (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) xung quanh đề xuất này.
Tăng thuế sẽ dẫn tới hiệu ứng ngược
Thưa ông, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất sửa đổi 5 Luật Thuế. Đáng chú ý là đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 10% lên 12% vào năm 2019. Trong bối cảnh cầu tiêu dùng đang giảm như hiện tại, tăng thuế GTGT liệu có gây tác dụng ngược?
- Trước hết, thuế là công cụ điều tiết thu nhập và kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngày 6.4.2016, Quốc hội đã nhất trí thông qua luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế, và Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016. Vậy mà chỉ sau hơn 1 năm, Bộ Tài chính lại đề xuất sửa đổi 5 luật thuế.
Việc tăng thuế GTGT, áp thuế TTĐB với nhiều loại hàng hóa sẽ gây tác động thiếu tích cực tới nền kinh tế. Ảnh: H.T
Điều này cho thấy chính sách thuế của Việt Nam không ổn định, thay đổi liên tục. Nhà đầu tư và người dân sẽ băn khoăn liệu sau kỳ sửa đổi, bổ sung lần này, chính sách này sẽ được tồn tại trong bao lâu nữa?
- Trong đề xuất sửa đổi 5 luật thuế lần này, đáng chú ý nhất là đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 10% lên 12% vào năm 2019. Ngoài ra, một số hàng hóa vốn không chịu thuế sắp tới có thể sẽ phải chịu thuế, một số hàng hóa khác vốn hưởng mức thuế 5% sẽ chịu mức thuế 6%.
Song trong bối cảnh hiện tại, khi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng do năng suất, chất lượng lao động thấp, nhu cầu tiêu dùng chưa thực sự cao. Nếu chúng ta tăng thuế GTGT sẽ khiến chi phí đầu vào phục vụ sản xuất của nhiều loại hàng hóa tăng. Đồng thời, chi phí đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng tăng theo dẫn tới hàng loạt mặt hàng tăng giá, khiến sức mua trên thị trường giảm sút, hàng hóa khó tiêu thụ.
"Cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế và nên thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về điều chỉnh ngân sách và giảm chi, tiết kiệm, không phải tăng thuế. Bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo. Điều này không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng. Mức thuế, phí hiện nay của chúng ta so với thu nhập đã quá cao rồi”.
PGS - TS Ngô Trí Long
|
Yếu tố này cộng thêm các khoản chi phí chính thức cũng như không chính thức của Việt Nam đang ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tác động ngược trở lại doanh nghiệp (DN). Năng suất sản xuất, sức cạnh tranh của DN sẽ giảm đi, làm giảm tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Thuế GTGT là thuế gián thu, mang tính lũy thoái. Điều này có nghĩa tăng thuế GTGT sẽ gây ra những tác động lớn đến toàn xã hội. Đối tượng thu nhập càng thấp, càng chịu tác động mạnh của thuế GTGT. Điều này đã được thế giới chứng minh.
Như vậy, việc tăng thuế suất thuế GTGT, mở rộng đối tượng chịu thuế sẽ dẫn tới hiệu ứng ngược. Nhà nước tăng thu cho ngân sách từ số tiền thuế trước mắt nhưng lại thất thu về sau. Khi sức mua tiêu dùng giảm, DN giảm sản xuất, giảm doanh thu dẫn đến nguồn thu từ thuế thu nhập DN giảm.
Trong đề xuất của Bộ Tài chính, giá nước sạch sinh hoạt được đề nghị điều chỉnh từ 5% lên 10%. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
- Hiện nay, nước sạch cung cấp cho người dân ở nhiều tỉnh, thành phố vẫn ở dạng độc quyền do chưa có nhiều đối tác cung cấp dịch vụ. Điều này buộc Nhà nước phải quy định giá.
Trong đó, Bộ Tài chính quy định khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt áp dụng trong phạm vi cả nước. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án giá nước sạch do đơn vị cấp nước trình và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt cụ thể trên địa bàn của tỉnh phù hợp với khung giá do Bộ Tài chính ban hành.
Về bản chất, nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, phải sử dụng hết sức tiết kiệm. Vậy nên, Nhà nước mới tính giá nước sạch sinh hoạt theo phương pháp lũy tiến, dùng càng nhiều nước thì số tiền phải trả càng cao. Với một mặt hàng thiết yếu, tác động tới cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của hàng chục triệu người dân mà phía Bộ Tài chính lại đưa ra lý lẽ rằng hoạt động sản xuất và tiêu thụ nước sạch đã thực hiện xã hội hóa, DN sản xuất, phân phối cũng kinh doanh. Nếu vẫn giữ thuế suất ưu đãi 5% là chưa công bằng với các DN kinh doanh các mặt hàng khác đang chịu mức thuế suất 10% là vô lý.
Thu hẹp đầu ra của nông sản
Việc Bộ Tài chính đưa trà, cà phê uống liền vào diện phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như thuốc lá, rượu, bia. Đồng thời, đề xuất đánh thuế TTĐB với nước ngọt vì cho rằng đây là mặt hàng gây bệnh béo phì, tiểu đường, đang khiến các Hiệp hội, DN phản đối, đòi chứng cứ khoa học. Đánh thuế TTĐB nước ngọt vì gây béo phì liệu có “oan”?
- Thuế TTĐB được Nhà nước sử dụng như công cụ để hạn chế người dân tiêu dùng những mặt hàng xa xỉ, Nhà nước không khuyến khích, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe người dân.
Tại các quốc gia phát triển, thuế đối với thuốc lá, rượu mạnh lên tới 100%, thậm chí 150% bởi thuốc lá là tác nhân gây ra ung thư và nhiều căn bệnh khác. Còn rượu có thể khiến con người say xỉn, không làm chủ được bản thân dẫn đến gây tai nạn, chết người nên đánh thuế cao để hạn chế.
Song đưa trà, cà phê uống liền vào diện phải chịu thuế TTĐB như thuốc lá, rượu, bia cần xem nghiên cứu. Trà được coi là sản phẩm thông dụng, được tiêu dùng hằng ngày trong cuộc sống hiện nay của người Việt Nam.
Cà phê hòa tan là cà phê đóng gói sản phẩm có giá trị gia tăng cao của ngành hàng cà phê. Nếu buộc những sản phẩm này chịu thuế TTĐB sẽ triệt tiêu việc nâng cao chất lượng sản phẩm của DN.
Thị phần sản phẩm giá trị gia tăng gặp khó chẳng khác nào thu hẹp đầu ra của nông dân trồng cà phê. Sản phẩm cà phê đóng gói sử dụng nguyên liệu cà phê được sản xuất trong nước, nó khác với ngành bia rượu, chủ yếu dùng nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Vế đánh thuế TTĐB nước ngọt, cần có cuộc điều tra, đánh giá cụ thể tác động của từng loại nước ngọt với hàm lượng đường cụ thể tới sức khỏe người Việt Nam. Đặc biệt là nước có ga.
Theo tôi biết, năm 2014, Nhà nước dự kiến tăng mức thuế đối với mặt hàng này nhưng chưa thành công. Nay muốn điều chỉnh tăng phải có khảo sát thực tế mới thuyết phục.
Ông có kiến nghị gì về vấn đề này?
- Thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, cũng như đời sống kinh tế - xã hội. Mỗi lần sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng một số sắc thuế nếu Bộ Tài chính không đưa ra những lập luận thuyết phục, với đầy đủ bằng chứng xác đáng có được thông qua điều tra, khảo sát các đối tượng liên quan và có sự đánh giá tác động cũng như những hệ lụy của việc sửa đổi đó, thì khó tạo ra được sự đồng thuận trong xã hội.
Muốn vậy, những nội dung cần sửa đổi, cần phải có phương án điều tra, khảo sát. Từ kết những kết quả điều tra sẽ đưa ra những nhận xét đánh giá những nội dung sẽ thay đổi, đặc biệt là sự thay đổi mức thuế đưa ra mới có căn cứ bằng chứng xác đáng, thuyết phục.
Đối với những nội dung sửa đổi có 2 phương án, cần trình bày và lý giải một cách cụ thể căn cứ của từng phương án. Phải lý giải dựa trên cơ sở thực tiễn và khoa học tại sao lại chọn phương án 1 hoặc 2.
Song tôi cũng thông cảm với Bộ Tài chính trong bối cảnh nợ công tăng cao, bội chi ngân sách ngày càng cao, nhu cầu đầu tư mới luôn đòi hỏi. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt nam đang ở mức trung bình thấp so với thế giới, tăng trưởng dưới tiềm năng… Đây là một bài toán rất khó đối với Bộ Tài chính nếu chỉ xem xét góc độ thu ngân sách trong quá trình tái cơ cấu ngân sách. Đứng ở góc độ Bộ Tài chính, nếu tìm giải pháp cân đối ngân sách, cách dễ nhất là tăng thuế.
Nhưng nếu tăng thuế chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối. Do vậy, để tái cơ cấu nguồn thu, nếu chỉ dùng biện pháp tăng thu bằng cách tăng thuế thì rất khó lòng được công chúng chấp nhận. Cần phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chi, tiết kiệm chi, chống thất thu thuế. Cùng với đó là những giải pháp về chi tiêu ngân sách, chống tham nhũng, lãng phí thất thoát, đầu tư công có hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.