Diễn biến nóng vụ nữ trưởng phòng dùng tên giả Ái Sa để tiến thân

N.P (tổng hợp) Thứ tư, ngày 16/10/2019 10:39 AM (GMT+7)
Học viện Tài chính cho biết nữ trưởng phòng dùng tên chị gái để tiên thân mới hoàn thành khóa học, đã bảo vệ luận văn nhưng chưa được cấp bằng thạc sĩ.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ nữ trưởng phòng dùng tên giả Ái Sa để tiến thân, thông tin mới nhất trên VNN cho biết, nữ trưởng phòng dùng tên giả để tiến thân chưa được cấp bằng thạc sĩ. Đại diện khoa Sau ĐH, Học viện Tài chính cho biết năm 2017, học viện tuyển sinh đào tạo thạc sĩ liên kết với trường ĐH Tây Nguyên.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT tại thông tư 14 về đào tạo Thạc sĩ, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đáp ứng đủ các điều kiện như tốt nghiệp ĐH ngành Kế toán, ĐH Đà Nẵng năm 2009, ngành Kế toán là ngành gần với ngành Tài chính ngân hàng mà bà Sa muốn học thạc sĩ. Học viện cũng đã bổ sung kiến thức theo quy định. Vị đại diện cho Khoa sau ĐH, Học viện Tài chính cũng cho biết, sau 2 năm, bà Sa (giả) đã hoàn thành khóa học với 20 học phần đào tạo và đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian đợi cấp bằng thì Học viện nhận được thông tin liên quan đến bằng cấp trước đó của bà Sa nên hiện tại, Học viện tạm dừng thủ tục cấp bằng, đợi kết quả cuối cùng từ các đơn vị chức năng của tỉnh Đắk Lắk rồi sẽ quyết định.

Vị đại diện này cũng cho hay, theo quy định tại thông tư 14, đối với các trường hợp: thi hộ hoặc nhờ người khác thi hộ, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong hồ sơ tuyển sinh sẽ bị buộc thôi học. Nếu phát hiện sau khi cấp bằng thì thủ trưởng cơ sở đào tạo thu hồi, huỷ bỏ bằng thạc sĩ đã cấp đối với người vi phạm.

Được biết, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa tốt nghiệp ngành Kế toán, ĐH Đà Nẵng với học lực trung bình – khá nên không đủ điều kiện học và tốt nghiệp thạc sĩ ở Trường ĐH Đà Nẵng.

Trước câu hỏi của phóng viên có quy định bằng phải tốt nghiệp ĐH loại nào hay loại hình đào tạo như thế nào không thì vị đại diện khoa Sau ĐH, Học viện Tài chính cho biết Bộ GD-ĐT không quy định nội dung này.

Quy định của Bộ GD-ĐT là có bằng ĐH. Vị này cũng thông tin thêm, Học viện liên kết với ĐH Tây Nguyên để đào tạo thạc sĩ là căn cứ vào quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ được tổ chức đào tạo một phần chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở ngoài cơ sở đào tạo khi được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; các vùng, các khu vực kinh tế trọng điểm; các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định.

Khóa đào tạo mà học viên Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) học là khóa cuối cùng Học viện tổ chức đào tạo ngoài trường. Hiện nay, toàn bộ các khóa học đào tạo sau ĐH, trong đó có thạc sĩ của Học viện Tài chính đều được đào tạo tại cơ sở quy định của học viện, không tổ chức đào tạo ngoài trường.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin: Trưa 4/10, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan đến việc bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) dùng bằng cấp 3 của chị gái mình để công tác.

Theo ông Hải, năm 1999, bà Thảo đã dùng bằng cấp 3 của chị gái mình để xin việc vào làm tại Xí nghiệp chế biến cà phê của Công ty xuất nhập khẩu 2-9 (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Sau đó, bà Thảo dùng bằng của chị để tiếp tục học Trung cấp kế toán.

Từ năm 2002- 2005, bà Thảo làm kế toán tại khách sạn Bạch Mã (TP.Buôn Ma Thuột). Từ năm 2005-2009 bà Thảo làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Quá trình làm việc tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ năm 2005-2009, bà Thảo học Đại học từ xa (thuộc Đại học Đà Nẵng) để lấy bằng Đại học ngành Kế toán.

Năm 2007, bà Thảo được  bổ nhiệm là Kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2009, bà Thảo được điều động về làm Kế toán trưởng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến năm 2015, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó phòng Quản trị, năm 2016 bà Thảo được bổ nhiệm làm Trưởng phòng này.

Về vụ việc này, nữ trưởng phòng ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk trước đó cũng đã thừa nhận sai lầm và cho biết bao nhiêu năm qua bản thân luôn thấp thỏm, lo lắng sẽ có ngày bị lộ. "Mấy chục năm qua, em ăn năn, thấp thỏm lo sợ có một ngày sẽ bị lộ ra. Nó cứ treo lơ lửng trên đầu em, không ăn không ngủ được. Giờ thì em nhẹ người rồi. Em biết rồi sai phạm của mình không khắc phục được, em xin nghỉ việc ngay. Chính vì vậy mà tổ chức không phải thẩm tra nhiều nơi, sớm đưa ra kết luận và họp bàn hướng xử lý" – một vị lãnh đạo tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dẫn lời bà Thảo khi làm việc với tổ chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem