Theo báo cáo mới nhất của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ có tên Open Doors, Việt Nam trong năm 2017 – 2018 có số lượng sinh viên du học tại Mỹ là 24.325 sinh viên, tăng 8,4% (tăng 1.887 em) so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo này, du học sinh Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho kinh tế Mỹ năm 2017. Với con số gần 1 tỷ USD này, nhiều câu hỏi được đặt ra liệu có phải các bậc phụ huynh Việt Nam đang dần mất đi niềm tin vào việc để con em mình được học trong nước và chọn Mỹ, nơi có nền giáo dục hàng đầu thế giới, làm điểm học tập cho con em mình hay không?
Theo chị Hoàng.T.M (Cầu giấy – Hà Nội) có con trai bước sang năm thứ 3 du học tại tiểu bang Michigan (Mỹ) thì nhu cầu cho con cái sang học tại Mỹ không phải xuất phát từ việc mất niềm tin với giáo dục trong nước. “Gia đình tôi đã quyết định cho con trai du học tại Mỹ vì nhiều lý do, tuy nhiên lớn nhất vẫn là muốn con trai có cuộc sống tự lập trong một môi trường giáo dục hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, điều kiện kinh tế gia đình cho phép cũng là một lợi thế để đưa con đi du học”.
Chị T.M cho biết thêm mình có hai con trai thì con cả không đi du học mà tốt nghiệp đại học trong nước sau đó công tác trong một công ty nước ngoài với mức lương rất tốt.
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: I.T
Ông Trần Văn Tăng (Phố Quan Hoa – Hà Nội) có 2 con từng du học tại Pháp. Ông Tăng cho biết hiện tại cả hai con đều đã trở về và làm việc tại Việt Nam. “Tôi không cho rằng việc đi du học là xấu hoặc việc du học lại thể hiện rằng giáo dục trong nước là không tốt. Đó là hai việc không liên quan tới nhau. Mình có điều kiện thì mình chọn thứ tốt hơn cho con cái là chuyện đương nhiên. Chúng ta nên quan tâm tới việc những du học sinh Việt Nam này có về làm việc tại Việt Nam hay không chứ đừng để ý tới việc họ được đào tạo ở đâu. Tôi tin rằng nếu công việc trong nước thuận lợi, nhiều cơ hội thì việc trở về quê hương để làm việc là điều đương nhiên”.
Nhìn một cách toàn cảnh du học sinh quốc tế học tập tại Mỹ qua báo cáo Open Doors, có thể thấy rằng Trung Quốc là nước có nhiều du học sinh tại Mỹ nhất với 363.000 sinh viên, tăng 3,6% so với năm ngoái. Ngay sau Trung Quốc là 186.000 sinh viên đến từ Ấn Độ, tăng 5,4%. Hàn Quốc có số sinh viên du học Mỹ là 54.555 sinh viên, con số này của Nhật Bản là 18,753 sinh viên. Nepal có số lượng sinh viên tăng nhiều nhất là 14,3% so với năm học 2016 – 2017. Ả Rập Xê Út là quốc gia có số lượng sinh viên giảm nhiều nhất so với năm ngoài là 15.5%.
Như vậy, qua những con số kể trên cho thấy việc Việt Nam chỉ là một trong những đại diện tới từ châu Á có nhiều du học sinh tại Mỹ. Số liệu trong báo cáo cũng cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến quen thuộc hơn của sinh viên Mỹ. Trong năm học 2016 - 2017, Việt Nam đã đón 1.147 sinh viên đến từ Mỹ, tăng tới 13,3%.
Báo cáo Open Doors công khai nhiều thông tin về du học sinh các nước tại Mỹ.
Cũng theo báo cáo Open Doors, Mỹ hiện tại có 332.727 du học sinh trải rộng trên toàn thế giới, trong đó chiếm nhiều nhất là tại Anh và Italia. Trong danh sách 20 nước có nhiều du học sinh tại Mỹ có 4 nước đến từ châu Âu đó là Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), việc nhìn nhận số lượng du học sinh tăng để đánh giá nền giáo dục trong nước là cực đoan. “Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, hiện nay trên thế giới nhiều nước rất khuyến khích việc trao đổi học sinh. Đây là một xu hướng chung khi thế giới ngày càng “phẳng”.
TS Khuyến nhận định, quyết định lựa chọn môi trường học tập cho con cái là tùy vào mỗi gia đình, điều kiện kinh tế, mong muốn, sở thích, chứ không phải do nhà nước áp đặt. Việc đáp ứng đủ điều kiện để chi trả cho con em học tập tại môi trường tiên tiến là điều tốt.
"Ngay cả tại châu Âu nhiều nước có mức sống cao và có điều kiện giáo dục tốt, nhưng vài năm trở lại đây vẫn đi du học tại Mỹ rất nhiều. Chúng ta cũng không thể nói rằng chất lượng giáo dục của học kém được. Ngược lại, bản thân Mỹ cũng có vài trăm nghìn du học sinh ở khắp các nơi trên thế giới. Tôi thấy nên nhìn nhận đây là một xu hướng tất yếu hơn là tập trung vào một số hạn chế của nền giáo dục Việt Nam để đánh đồng cả quá trình” - TS Khuyến nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.