Gia sản của chú Sáu Khải trên đất Củ Chi

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 17/03/2018 09:15 AM (GMT+7)
Thông tin ông Sáu Khải - nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - mất lúc rạng sáng ngày 17.3.2018, khiến nhiều người con trên đất Củ Chi - quê hương của ông không khỏi bàng hoàng. Không chỉ là một vị nguyên thủ đã nghỉ hưu, ông Sáu Khải còn là một người con, người chú, người ông... gắn bó thân thiết với người dân trên mảnh đất này.
Bình luận 0

Từ lúc từ nhiệm về quê hương Tân Thông Hội (Củ Chi, TP.HCM), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tập trung đóng góp cho địa phương trong việc xây dựng các công trình, giúp đỡ bà con nghèo...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Thông Hội (Củ Chi), ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM nhận xét: “Tôi rất cảm kích tấm lòng chú Sáu Khải (tên thân mật của bà con Củ Chi gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải). Ông để lại 2 ấn tượng rõ nét trên quê hương, đó là nâng đỡ giáo dục và cải thiện giao thông nông thôn”.

Mở trường cho con em nghèo

Trước đây hơn nửa tháng, tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lâm bệnh nặng khiến thầy Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông (xã Tân Thông Hội) Lê  Văn Hoàng cả buổi sáng bần thần. Đôi mắt thầy đỏ hoe, rươm rướm nước mắt. “Nếu chú Sáu Khải mất, không chỉ đất nước thiệt thòi lớn mà ngôi trường này cũng mất đi một nhà bảo trợ giàu lòng nhiệt tâm”, thầy lau nhanh nước mắt.

Tháng 9.2010, để trường đi vào hoạt động chính, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chọn thầy Hoàng về làm hiệu phó bởi ngoài các yếu tố giỏi chuyên môn, thầy là người… Tân Thông Hội. “Chú Sáu Khải tâm huyết với trường lắm. Lãnh đạo trường đều là người sinh ra ở Tân Thông Hội. Đây là một trong những gia sản của chú trên quê hương. Chính chú đi vận động tài chính để xây dựng ngôi trường này nhằm phục vụ con em bà con nghèo trên địa bàn”, thầy Hoàng bùi ngùi.

Theo thầy Hoàng, thi thoảng từ nhà (cách trường khoảng 1km) chú Sáu Khải lại đến thăm trường với áo sơ mi, quần tây khá bình dị. Sau khi rảo bước quanh trường, ông ngồi uống trà với ban giám hiệu để chia sẻ tình hình giảng dạy. “Chú Sáu Khải còn giúp nhà trường gây quỹ khuyến học để nâng đỡ những học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Hoàng thổ lộ.

img

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đánh trống tại lễ khánh thành Trường Tiểu học Tân Thông.

Trường Tiểu học Tân Thông được khởi công xây dựng ngày 2.9.2009, theo tiêu chuẩn quốc gia với quy mô 1 trệt, 2 lầu gồm 40 phòng học và khối phụ, tổng kinh phí xây dựng trên 37 tỷ đồng.

Trường có khả năng tiếp nhận khoảng 700 học sinh từ các xã Tân Thông Hội, Tân An Hội, Tân Phú Trung theo học. Tuy nhiên, trước nhu cầu học ngày càng cao, năm học này, trường đã tiếp nhận hơn 1.400 học sinh.

“Trước đây khi chưa có ngôi trường này, ngoài một số học sinh tiểu học ở xã học tại chỗ với ngôi trường đủ cho 300 em, thì số khác phải đi học tận thị trấn. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các hộ nghèo”, thầy Hoàng thổ lộ.

img

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và học sinh Củ Chi.

Tôi đứng tần ngần trước cổng trường nhìn dòng chữ ghi danh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải – người đã vận động tiền của xây dựng trường. Cậu bé Hoàng Minh, học lớp 3, thấy thế cũng đến đứng cạnh trố mắt nhìn dòng chữ. Em kể thi thoảng lại thấy một ông cụ hiền lành đến thăm trường và đùa vui với các bạn học.

Làm ấp nông thôn mới kiểu mẫu

Mặc dù là huyện cách xa trung tâm thành phố, nhưng giờ đây hệ thống đường giao thông nông thôn ở Củ Chi được xây dựng rất bài bản. Từ các tuyến đường giao thông chính đến nội đồng đã được nâng cấp, trải nhựa và bê tông hóa. Điều này góp phần kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông ở nông thôn đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới của Củ Chi, ông Thái Quốc Dân (chuyên viên Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP.HCM) cho biết, việc giao thông Củ Chi cơ bản hoàn thành, ngoài sự đóng góp của chính quyền và nhân dân trên địa bàn, còn có công rất lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Giờ về Củ Chi, vẫn nghe câu chuyện chú Sáu Khải bảo tín giúp Củ Chi vay trả chậm tiền Chính phủ để nâng cấp giao thông. Theo ông Sơn, nếu không có sự chỉ đạo, đốc thúc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thì giao thông nông thôn Củ Chi khó được như ngày nay và trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của TP.

img

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thăm gian hàng trái cây tại buổi lễ huyện Củ Chi nhận quyết định đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Anh Phạm Chí Tâm (xã Thái Mỹ) thổ lộ, nhờ đường xá nội đồng được nhựa hóa mà mỗi ngày hàng tấn rau sạch của anh dễ dàng tiếp cận thị trường TP. “Tôi biết đến việc chú Sáu Khải góp công xây dựng giao thông Củ Chi lâu rồi. Nhờ ông mà giao thông nội đồng được nâng cấp, bà con nông dân dễ đưa nông sản ra chợ hơn”, anh chia sẻ.

Về với đời thường, gác lại việc nước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dành thời gian phát triển quê hương. Ông Dân cho biết, chính chú Sáu Khải đề xuất với Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình nông thôn mới quốc gia chọn ấp Chánh (xã Tân Thông Hội) làm ấp nông thôn mới kiểu mẫu.

“Chú Sáu Khải trực tiếp ngồi làm việc với chính quyền xã, ban ấp để lên chương trình chăm lo đời sống văn hóa, nâng cấp hạ tầng giao thông… cho ấp Chánh”, ông Dân cho biết.

img

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trao quyết định của Trung ương công nhận huyện Củ Chi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, năm 2015.

Còn nhớ, năm 2015, Củ Chi đón nhận quyết định của Trung ương công nhận huyện nông thôn mới. Tại buổi lễ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thay mặt Trung ương trao quyết định cho lãnh đạo huyện Củ Chi. Một hành động, nghĩa cử đẹp của người con trở về sống trong lòng quê hương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem