Hà Nội có nên mở rộng dùng thiết bị thông minh thay thế loa phường?

Thành An Thứ năm, ngày 11/10/2018 06:46 AM (GMT+7)
Sau 1 năm thực hiện Đề án 5133, xét thấy cần ban hành phương án chính thức đối với hệ thống đài truyền thanh. Do đó, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở TTTT đánh giá, xây dựng “Phương án sắp xếp đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội”.
Bình luận 0

Tối 10.10, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Hà Nội đã thông tin về kết quả 1 năm thực hiện Quyết định số 5133/QĐ-UBND ngày 1.8.2017của UBND TP.Hà Nội về phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội” (Đề án 5133).

Sau 1 năm thực hiện Đề án 5133, xét thấy cần ban hành phương án chính thức đối với hệ thống đài truyền thanh. Do đó, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở TTTT đánh giá, xây dựng “Phương án sắp xếp đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội”.

img

200 hộ dân được thí điểm lắp thiết bị thông minh thay thế loa phường tại Hà Nội.

Việc thí điểm thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường được UBND TP.Hà Nội cho phép thực hiện đến tháng 1.2018. Phạm vi thí điểm là 200 hộ trên địa bàn 4 phường: Kim Mã, Thành Công (quận Ba Đình), Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm), Yên Hòa (quận Cầu Giấy), mỗi phường thí điểm tại 50 hộ gia đình.

Tuy nhiên, do tiến độ lắp đặt thí điểm, một số hộ gia đình được tiếp cận thiết bị thông minh của Viettel từ cuối tháng 12.2017, nên việc sử dụng thiết bị tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 3.2018. 

Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình có thêm thời gian sử dụng thiết bị thông minh, Sở TTTT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận phối hợp, Viettel và MobiFone hỗ trợ thiết bị, sim, kỹ thuật đến khi UBND TP quyết định phương án chính thức.

Trong thời gian này, Sở TTTT Hà Nội phối hợp UBND các quận, phường, Viettel và MobiFone khảo sát, lấy ý kiến các hộ gia đình được sử dụng thiết bị thông minh. 

Nội dung khảo sát, lấy ý kiến tập trung vào 2 nhóm chính: Giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận và triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường.

Đây là những căn cứ thực tế và kênh thông tin quan trọng để Sở TTTT Hà Nội tham mưu UBND TP xem xét, phê duyệt “Phương án sắp xếp đài truyền thanh xã, phường, thị trấn”, “Phương án triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường” và “Quy chế hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội”. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin cơ sở, trong đó có hoạt động của đài truyền thanh.

img

Thống kê lấy ý kiến lần thứ hai của TP.Hà Nội về loa phường đến sáng 11.10 - (Ảnh chụp màn hình).

Bên cạnh khảo sát thực tế tại địa bàn một số phường thuộc 4 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), Sở TTTT tổ chức lấy ý kiến tại mục “Phiếu khảo sát lấy ý kiến sau một năm thực hiện Đề án 5133” trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 5.10.2018 đến hết ngày 25.10.2018.

Ghi nhận của PV Dân Việt trên hệ thống khảo sát trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, tính đến sáng 11.10.2018, đã có 393 ý kiến đóng góp trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội. Theo đó, 75,83% ý kiến đề nghị cần quyết liệt sắp xếp mạnh mẽ hơn, tiến tới bỏ loa trong quận; 75,52% ý kiến cho rằng đài truyền thanh phường thuộc quận đang duy trì từ 5 - 10 cụm loa (tương đương 10 - 20 loa) để thông tin, tuyên truyền là nhiều. Và có đến 58.51% ý kiến không ủng hộ việc triển khai nhân rộng thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường.

Trước đó, thực hiện Đề án 5133, các phường thuộc quận duy trì từ 5 - 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa, tương ứng 10 - 20 loa/phường). Hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. 

Vị trí các cụm loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn để lựa chọn, quyết định và gửi Sở TTTT danh sách, sơ đồ vị trí cụm loa để tổng hợp. Trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh.

Các cụm loa phường tại địa bàn 4 quận cũ (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và TP.

Địa bàn các quận còn lại, loa phường chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn. Thời gian phát được quy định tối đa 2 buổi một ngày, 5 ngày/tuần và thời lượng tối đa 15 phút/buổi.

Thiết bị thông minh thay thế loa phường không hiệu quả

Liên quan đến vấn đề này, cuối tháng 9.2018, tại buổi làm việc với Sở TTTT Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng thiết bị thông minh thay thế loa phường không phát huy tác dụng.

"Thực tế có nơi thuê cả người bán báo dạo phát loa thông tin về phòng chống dịch bệnh", ông Phong nói và đề nghị cần phải tính toán kỹ lại việc sắp xếp hệ thống loa phường.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, vấn đề không đơn giản chỉ là phương tiện kỹ thuật, cần phải đặt nó trong sự phát triển chung của xã hội.

Ông Ngô Văn Quý - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội thông tin, ông nhận được phản ánh người dân không bao giờ sờ đến thiết bị thay thế loa phường được lắp đặt ở góc nhà vì không hiệu quả.

Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở TTTT Hà Nội đánh giá lại vấn đề này ở các phường đang thí điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem